Tiếng Việt | English

22/03/2023 - 10:03

Giải 'bài toán' về nước sạch ở nông thôn

Nhiều giải pháp được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt, nhất là nước sạch tại khu vực nông thôn.

Tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch

Trước đây, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tại khu vực nông thôn chủ yếu từ giếng khoan, nước mưa, kênh, rạch,... Tuy nhiên, chất lượng các nguồn nước này chưa bảo đảm, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Mặt khác, một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng người dân “khát nước” vào mùa khô, phải mua nước sinh hoạt với giá cao.

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt và nước sạch, tỉnh từng bước nâng cấp, cải tạo, đầu tư hệ thống cấp nước; khuyến khích và kêu gọi nguồn lực xã hội trong việc cấp nước, ưu tiên sử dụng nước mặt, đưa các giếng khoan về trạng thái dự phòng khi có nguồn cấp nước tập trung đi qua.

Tỉnh kêu gọi đầu tư, nâng cấp các hệ thống cấp nước để bảo đảm cấp nước sạch cho người dân (Trong ảnh: Trạm tăng áp tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc được nâng cấp)

Cùng với sự đầu tư của cấp trên, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa còn tuyên truyền, vận động người dân cũng như các tổ chức hỗ trợ kinh phí để cải tạo, nâng cấp các trạm, hệ thống ống cấp nước, từng bước nâng cao tỷ lệ cấp nước, nhất là nước sạch cho người dân. Ông Nguyễn Văn Hai (ấp 3, xã Tân Tây) nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề sử dụng nước, đặc biệt là nước sạch. Vì vậy, khi địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình sẵn sàng đóng góp kinh phí để nâng cấp trạm cấp nước cũng như đầu tư hệ thống đường ống nước theo tiêu chuẩn. Hiện nay, được sử dụng nguồn nước sạch, chất lượng bảo đảm, chúng tôi yên tâm hơn khi sử dụng”.

“Năm 2022, xã tuyên truyền, vận động các hộ dân lắp đặt thêm hệ thống lọc, nâng cấp 2 trạm cấp nước từ hợp vệ sinh thành nước sạch và có kế hoạch tiếp tục nâng cấp 11 giếng còn lại. Đồng thời, xã kêu gọi người dân đấu nối với hệ thống ống từ trạm cấp nước xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa; hoàn thiện trên 2km đường ống để cấp nước sạch cho các hộ dân có hệ thống cấp nước sạch tập trung đi qua. Bên cạnh đó, huyện đầu tư công trình cấp nước sạch, phục vụ trên 1.000 hộ dân tại ấp 3, 4 và một phần ấp 1 của xã. Từ đó, “bài toán” về nước sạch tại xã cơ bản được giải quyết” - Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Phạm Thị Mỹ Phụng cho biết.

Nhựt Ninh là xã cuối nguồn cấp nước của huyện Tân Trụ, nhu cầu nước sinh hoạt khá lớn, nước sạch trở nên cấp thiết, nhất là vào mùa khô. Phó Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Lữ Minh Thành cho biết: “Địa phương từng bước khắc phục những khó khăn, đưa nước sạch về phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay, xã có 2 nguồn cấp nước chính, gồm: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Xã vận động các hộ dân đấu nối các tuyến ống cấp nước tập trung đi qua và tự lắp đặt thêm hệ thống lọc nước trong gia đình. Đối với những nơi xa đường ống chính, xã huy động nguồn lực đầu tư, kéo đường ống để bảo đảm đưa nước phục vụ đầy đủ cho người dân. Hiện nay, hộ dân sử dụng nước sạch tại xã đạt 80%”.

Tập trung giải quyết “bài toán” nước sạch

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài, hiện nay, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện đạt gần 100%, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 84,2%. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch; từng bước rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn. Đồng thời, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển KT-XH; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước; kêu gọi mọi người sử dụng nước sạch tiết kiệm, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và suy thoái nguồn nước; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó, nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biển đổi khí hậu).

Sau nhiều năm, nhu cầu sử dụng nước của người dân tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc cơ bản được bảo đảm

Trước đây, nước sinh hoạt là “bài toán khó” của huyện Cần Giuộc, nhất là các xã vùng hạ. Với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương cũng như các cấp, các ngành tỉnh, sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, “bài toán” về nước cơ bản được giải quyết. Theo Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cần Giuộc - Phạm Tấn Lợi, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp tích cực sở, ngành tỉnh trong việc cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân, nhất là các xã vùng hạ. Hiện nay, việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thông qua các dự án cấp nước, hệ thống cấp nước từ các đơn vị sử dụng nhiều nguồn nước mặt. Nguồn nước cơ bản bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng. Mặc dù huyện chưa bảo đảm cấp nước sinh hoạt đạt 100% nhưng tỷ lệ hộ dân có nước sử dụng trên địa bàn khá cao. Đến cuối năm 2022, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,73%, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 89,76%.

Người dân xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc hiện không còn phải mua nước sinh hoạt với giá cao như trước đây. Bởi, hệ thống cấp nước tại xã cơ bản bao phủ, chất lượng cũng như lưu lượng nước bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh tại xã đạt gần 100%, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 81,29%. Bà Nguyễn Thị Hoa (ấp Tân Hòa, xã Tân Tập) chia sẻ: “Trước đây, mùa khô luôn trong tình trạng thiếu nước, chúng tôi phải đổi nước với giá cao. Mùa khô năm nay đã cận kề nhưng chúng tôi không còn phải lo lắng cảnh “khát nước” như trước. Hiện nay, người dân đã đấu nối, sử dụng nguồn nước sạch từ đường ống cấp nước dọc theo tuyến Đường tỉnh 830. Nguồn nước bảo đảm, giá hợp lý, chúng tôi rất phấn khởi”.

Tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu cuối năm 2023, hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 60%

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Hữu Phương thông tin: Góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch (năm 2023 đạt 60%), ngành đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp nước nông thôn giai đoạn 2021-2025 bao gồm các công trình có quy mô lớn liên xã, liên huyện, từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước chưa đạt.

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, lập đoàn kiểm tra xác định giá trị còn lại, lập thủ tục xin chủ trương UBND tỉnh thu hồi, giao cho đơn vị có năng lực quản lý theo đúng quy định. Các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương đôn đốc các cơ sở cấp nước lập phương án giá nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người sử dụng nước.

Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát, giám sát chất lượng nước tại các trạm, hướng dẫn quy trình công nghệ xử lý nước, dành nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống lọc của các trạm cấp nước; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở không nâng cấp hệ thống xử lý nước để đạt chất lượng nước sạch theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án lớn đã được phê duyệt sử dụng nguồn nước mặt xử lý đạt chất lượng; từng bước hoàn thiện hạ tầng cấp nước nông thôn, tiến tới cấp nước an toàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Sơn Quê

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích