Sinh con không chỉ là chuyện của các cặp vợ chồng, của mỗi gia đình mà còn góp phần duy trì nòi giống, liên quan đến vấn đề dân số và sự phát triển bền vững, ổn định của quốc gia, dân tộc. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và có nhiều chính sách về dân số phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn, thời kỳ.
Nếu như trước đây, mức sinh dày, sinh nhiều con khá phổ biến bởi nhiều gia đình quan niệm “trời sinh voi thì sinh cỏ”, “đông con hơn nhiều của”. Trong bối cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con trẻ còn thiếu thốn thì việc sinh dày, sinh nhiều con tạo cho xã hội nhiều áp lực. Bởi đằng sau đó là những câu chuyện liên quan đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc, học hành, sức khỏe của trẻ và chất lượng dân số,...
Vì vậy, có những giai đoạn, khẩu hiệu tuyên truyền từ thị thành đến nông thôn chủ yếu là “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con”, sau đó khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Từ những chính sách dân số phù hợp với thực tiễn lúc đó cùng công tác tuyên truyền, nhận thức về chuyện sinh con cũng chuyển biến tích cực.
Các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, chú trọng sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt. Quan niệm “trời sinh voi thì sinh cỏ” hay suy nghĩ “đông con cho vui cửa, vui nhà” dần lùi vào dĩ vãng. Chính sách dân số phù hợp tạo sự cân bằng cho xã hội phát triển và điều kiện nuôi dạy, chăm sóc trẻ cũng tốt hơn, toàn diện về trí, thể, mỹ.
Tuy nhiên, theo tiến trình phát triển, trong xã hội hiện đại, quan điểm, suy nghĩ về việc sinh con của các cặp vợ chồng dần thay đổi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ suất sinh của nước ta.
Nếu năm 1989, tỷ suất sinh của Việt Nam là 3,8‰, dần giảm còn 2,09‰ vào năm 2006 thì năm 2024 chỉ còn 1,91‰. Rõ ràng Việt Nam đang chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.
Nguyên nhân là áp lực kinh tế, công việc, cuộc sống, kết hôn muộn, ít thời gian chăm sóc con cái, không muốn ràng buộc,… dẫn đến tâm lý ngại kết hôn, ngại sinh con hoặc chỉ sinh một con. Thực trạng này đã xuất hiện trong những năm gần đây khi xu hướng không kết hôn, ngại sinh con trong giới trẻ đang gia tăng.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ cho rằng, sức ép kinh tế như chi phí sinh hoạt, thuê hoặc mua nhà, nuôi dưỡng và giáo dục con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao khiến họ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con.
Tuy nhiên, từ việc ngại sinh con dẫn đến mức sinh ngày càng giảm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trong tương lai, lượng lao động sẽ thiếu hụt, quy mô dân số suy giảm, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số,... Chưa kể, dân số già sẽ tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội về vấn đề lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí,...
Thế nên một chính sách dân số để ngăn dòng già hóa dân số, cứu vãn tình trạng mức sinh đang giảm là cần thiết. Trong đó, đề xuất của Bộ Chính trị về không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 đang được dư luận quan tâm, cho là phù hợp trong bối cảnh “ngại sinh”, mức sinh giảm như hiện nay.
Trước đó, năm 2017, theo Quy định 102, việc kỷ luật đảng viên vi phạm về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình rất nghiêm ngặt, quy định cụ thể mức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ đối với đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5.
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định 69 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Quy định này không liệt kê các hành vi đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 bị kỷ luật mà thay vào đó là “vi phạm chính sách dân số” và có thể bị xem xét kỷ luật khiển trách, trừ một vài trường hợp cụ thể. Quy định này nhằm nâng cao ý thức của đảng viên về sinh đẻ có kế hoạch, góp phần ngăn ngừa bùng nổ dân số trong giai đoạn mức sinh khá cao.
Và thực tế, những năm qua, không ít cán bộ, đảng viên vi phạm quy định này bị xử lý kỷ luật. Điều này vô tình tạo nên rào cản tâm lý lo sợ khi lỡ sinh con thứ 3. Thậm chí, dù đủ sức khỏe, vững kinh tế, có điều kiện nuôi dạy tốt thì đảng viên cũng không dám sinh con thứ 3.
Trong lúc mức sinh ngày càng giảm, dân số đang trong quá trình già hóa như hiện nay, để duy trì mức sinh thay thế, việc “khuyến sinh” cần được áp dụng. Trong đó có việc một số tỉnh, thành dành chế độ hỗ trợ phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi hay gần đây là Bộ Chính trị yêu cầu không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3. Theo đó, Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu sửa đổi quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05, ngày 22/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật; không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật.
Không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 được dư luận đồng tình, ủng hộ, nhất là gia đình đảng viên có điều kiện kinh tế, mong muốn sinh con thứ 3. Hơn nữa, không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 cũng bảo đảm sự công bằng giữa đảng viên và người dân trong thực hiện chính sách dân số, góp phần duy trì cân bằng dân số trong xã hội, duy trì mức sinh thay thế trong khi tỷ suất sinh giảm dần qua từng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước./.
Thùy Hương