Đây là 10 nguyên tắc giáo dục giúp cho con cái của bạn lớn lên trong hạnh phúc, các bậc cha mẹ cũng trở thành những vị phụ huynh nuôi con thành công.
1. Bình đẳng
Nghiên cứu tâm lý chứng minh rằng, việc con cái có thể được phép tranh luận/trò chuyện/ứng xử ngang hàng với cha mẹ không chỉ là biểu hiện của tình yêu thương lẫn nhau mà còn giúp trẻ hình thành sự tự tin, phân biệt đúng sai, làm phong phú thêm trí tưởng tượng và óc sáng tạo.
Tác động của "chế độ độc tài" hay phân biệt trên dưới theo hướng cổ hủ và tiêu cực là yếu tố có thể ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ một cách nặng nề. Nhiều bậc cha mẹ có tư tưởng rằng, sau khi đã dành cả đời làm việc chăm chỉ để nuôi dạy con cái, con cái nên nghe lời mình và phải vâng lời mình.
Quan niệm này nên được thay đổi, và trẻ em nên được coi là bình đẳng với chính cha mẹ mình.
2. Tôn trọng
Chỉ khi chúng ta tôn trọng con cái thì con cái mới tôn trọng chúng ta, một số cha mẹ chỉ mong con cái nghe theo lời mình nói, không có chính kiến riêng hay tranh cãi, nếu không sẽ lớn tiếng khiển trách con cái.
Kiểu trẻ em sống trong môi trường gia đình như thế này khi lớn lên rất có thể sẽ là người sống ba phải, thiếu suy nghĩ độc lập, luôn phải làm việc/hành động theo người khác, không có quan điểm riêng.
3. Giao tiếp cảm xúc, gắn kết yêu thương
Nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng: "Có sách để đọc, có cơm để ăn, có áo để mặc thì còn muốn cái gì nữa?". Nhưng sự trưởng thành của con người không chỉ đòi hỏi vật chất mà còn cả tinh thần và tình cảm, nhu cầu về sự kết nối yêu thương và bày tỏ cảm xúc.
Nếu như cha mẹ phớt lờ nhu cầu tinh thần và tình cảm của con cái, con cái và cha mẹ không có gì để nói với nhau trong cuộc sống hàng ngày, thì về lâu dài, con cái sẽ ngày càng khó hòa thuận với cha mẹ.
4. Sự tự do
Nhiều bậc cha mẹ kiểm soát con cái rất nghiêm khắc nhưng kết quả nhận được lại là sự vô ơn, thậm chí dẫn đến bi kịch. Chúng ta nên tin vào khả năng của trẻ em và cho chúng một không gian để phát triển tự do.
Khi trẻ được phát triển tự do, chúng cảm thấy được sống là chính mình, có thể làm điều mình muốn và cũng hiểu được giá trị sống mà cha mẹ mang lại, từ đó nảy sinh lòng biết ơn.
5. Sự thống nhất
Giáo dục gia đình phải thống nhất với nhà trường, nếu không con cái sẽ không biết phải làm thế nào, nghe bên nào khi hai bên không thống nhất, không cùng quan điểm.
Ngoài ra, quan điểm giáo dục giữa các thành viên trong gia đình cũng phải thống nhất, nếu không đứa trẻ sẽ không biết nghe theo ai, và kết quả là không nghe theo ai cả. Sản phẩm mà bạn kỳ vọng nhận được sẽ là một phiên bản ương bướng, không nghe lời hoặc trở nên lầm lũi.
6. Làm gương
Cha mẹ là đối tượng đầu tiên để trẻ bắt chước, cha mẹ phải làm gương tốt, đừng gieo mầm xấu vào tâm hồn trẻ thơ. Dân gian có câu nói, cha nào con nấy, khi người lớn có cách hành xử hay thái độ thế nào thì trẻ nhỏ sẽ quan sát và làm theo như vậy.
Do đó, việc làm gương, làm những việc mà bạn mong muốn trẻ làm, để trẻ vừa có thể học hỏi, vừa tự ý thức được những việc mà chúng có thể làm và không được phép làm. Cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho con cái. Con cái là sản phẩm mô phỏng những gì mà cha mẹ đã làm.
7. Tin cậy
Dối trá bắt đầu từ sự ngờ vực. Nếu bạn đã tin tưởng con mình từ khi nó còn là một đứa trẻ, thì đứa trẻ đó sẽ không cần phải nói dối.
Sự tin cậy, tin tưởng của cha mẹ dành cho con cái là một nguyên tắc ứng xử vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý và hình thành tích cách của trẻ. Nếu cha mẹ hay nghi ngờ trẻ, trẻ sẽ hình thành thói quen nói dối, dần dần tạo thành tính cách xấu, không tin tưởng ai.
8. Lòng khoan dung
Con người không phải là thánh, vậy ai có thể cả đời không có lỗi? Trẻ em mắc lỗi là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành, và chúng thường để xảy ra sai sót giống như một cách tự nhiên trong quá trình chúng lớn lên.
Cha mẹ nên đối xử với trẻ một cách khoan dung khi trẻ mắc sai lầm, không cần thiết phải "lỗi nhỏ thì mắng chửi, lỗi lớn thì đòn roi" như nhiều bậc cha mẹ vẫn đang áp dụng trong quá trình giáo dục con hiện nay.
9. Khuyến khích
Nhiều bậc cha mẹ có thói quen xấu, khi con được điểm cao thì nói: "Con có lén nhìn bài bạn không?" Khi con bị điểm kém, lại nói: "Con luôn tệ như vậy", điều này vô tình làm tổn thương trái tim con rất nhiều.
Trong cuộc sống gia đình, việc giáo dục con cái nên dựa vào nguyên tắc khuyến khích nhiều hơn. Khi cha mẹ càng khuyến khích trẻ, trẻ càng có động lực phát huy hết khả năng tiềm ẩn của bản thân, từ đó có thể phát triển vượt trội hơn. Chê bai trẻ không những khiến cho trẻ có tâm trạng xấu, mà còn làm thui chột ý chí của trẻ, lâu ngày khiến trẻ cảm thấy chúng thật sự kém cỏi.
10. Thay đổi phương pháp theo thời gian
Phương pháp giáo dục con cái nên được thay đổi liên tục dựa vào quá trình trẻ lớn lên. Mỗi độ tuổi, trẻ cần được giáo dục theo những phương pháp khác nhau, phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, giai đoạn phát triển tâm sinh lý.
Việc linh động trong lựa chọn phương pháp giáo dục của các bậc cha mẹ rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong việc nuôi dạy con cái. Mỗi đứa trẻ có đặc trưng tính cách và xu hướng phát triển khác nhau, do đó cha mẹ cần nghiên cứu để lựa chọn phương pháp phù hợp, linh hoạt.
Tóm lại, bất kể bạn áp dụng phương pháp nào để giáo dục con cái, miễn là bạn làm cho con bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, khỏe mạnh, lạc quan, quan tâm, tự tin và hy vọng vào tương lai, thì bạn đã là một bậc cha mẹ thành công./.
CTV Bảo Châu/VOV.VN