Tiếng Việt | English

18/04/2017 - 10:03

Giảm chi phí khi trồng rau công nghệ cao

38 nông dân ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An thành lập Tổ hợp tác Trồng rau ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ nhau xây dựng mô hình nhà lưới, hệ thống phun tự động, sử dụng phân bón hữu cơ sinh học…


Mô hình ứng dụng công nghệ trồng màu của anh Lê Văn Giấy - thành viên tổ hợp tác sản xuất ở ấp 4, xã Long Khê

Tổ hợp tác Trồng rau ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ nhau xây dựng mô hình nhà lưới, hệ thống phun tự động, sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động.

Một trong những nông dân khởi xướng thành lập tổ hợp tác chính là anh Lê Văn Giấy, ngụ ấp 4. Bản thân anh thích tìm tòi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên thường xuyên tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng rau, tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng trên vườn rau của mình.

Với 3.000m2 đất trồng rau ăn lá, việc chăm sóc, tưới nước hết sức vất vả, nhất là thời điểm vừa cấy cải, phải tưới liên tục. Từ lúc áp dụng cách trồng rau với hệ thống nhà lưới và phun nước tự động giúp giảm công lao động. Chi phí thực hiện mô hình nhà lưới và hệ thống tưới tự động 15 triệu đồng, sử dụng trong 3 năm.

Việc áp dụng mô hình này hạn chế hư hại cho rau khi điều kiện thời tiết thất thường như mưa bão, nắng hạn gay gắt, hạn chế được côn trùng, giảm thiểu thời gian chăm sóc rau màu, kích thích rau tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, để rau sinh trưởng tốt, anh sử dụng hỗn hợp phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học nhằm nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lê Văn Tập - thành viên tổ hợp tác cho biết: Với 1.000m2 đất trồng màu, nếu đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động mất 5 triệu đồng nhưng giảm được 1/2 số công lao động, mỗi năm, người trồng rau ứng dụng công nghệ cao giảm được trên 20 triệu đồng tiền nhân công tưới nước theo kiểu cũ, giảm chi phí phải đổi đất nhờ sử dụng phân vi sinh đất tơi xốp, góp phần giảm giá thành sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu cao nhưng hiệu quả rất rõ rệt.

Mô hình Tổ hợp tác Trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở ấp 4, xã Long Khê phù hợp nguyện vọng của nông dân và điều kiện sản xuất của địa phương. Việc xây dựng thành công các mô hình nông dân hợp tác ứng dụng công nghệ vào sản xuất là điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Huyện ủy trong việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng cao./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết