Kết luận thanh tra số 544 do ông Hồ Hữu Nghị, Chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang ký đã nêu rõ: ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và lĩnh vực trực tiếp phụ trách; các phó giám đốc sở này chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực, công việc được phân công phụ trách đối với các sai sót, hạn chế của mình.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang kiểm điểm những thiếu sót đối với ông Nguyễn Khánh Hòa Đồng, Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính; kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với các sai phạm, thiếu sót của ông Phan Văn Hưng, công chức Phòng Kế hoạch-Tài chính và ông Nguyễn Tấn Sang, nhân viên Trung tâm Mua sắm công trong việc mua sắm 11 hệ thống oxy y tế; tổ chức họp Ban Giám đốc, trưởng phòng có liên quan, Giám đốc các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện dã chiến, giám đốc các trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm mua sắm công, trung tâm y tế để nghiêm túc đánh giá lại việc tổ chức mua sắm từ chủ trương đầu tư, quá trình thực hiện mua sắm, nghiệm thu, quản lý, phân bổ, điều phối, sử dụng trang thiết bị đã mua sắm để phòng chống dịch Covid-19.
Ông Trần Thanh Thảo (bìa trái) tiếp đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Nghiêm túc xem xét các sai phạm, thiếu sót, hạn chế để rút kinh nghiệm chung trong ngành và từng cá nhân trong Ban giám đốc, giám đốc của các đơn vị có sai sót, hạn chế để định hướng chấn chỉnh, khắc phục cụ thể trong thời gian tới.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang, Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức họp rút kinh nghiệm chung đối với những thiếu sót của từng đơn vị này.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị thu hồi số tiền trên 99 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước (thông qua tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh) do bệnh viện xuất vật tư từ nguồn kinh phí chống dịch nhưng lại tiếp tục thanh toán bằng ngân sách nhà nước.
Theo kết luận thanh tra, trong 2 năm phòng, chống dịch, ngành y tế Tiền Giang có 3 gói thầu giá trị lớn đã thực hiện mua sắm năm 2020 nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định; có gói thầu chưa đánh giá đầy đủ thông tin để xác định quy mô tại thời điểm trình chủ trương đầu tư theo quy định; một số gói thầu thực hiện mua nhưng chưa rà soát đánh giá số lượng tồn để lập danh mục mua sắm theo yêu cầu sử dụng.
Đặc biệt, có gói thầu chưa nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn, thời gian cấp vốn theo quy định; một số gói thầu không phân nhóm đối với từng mặt hàng để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo quy định, chia nhỏ gói thầu để mua sắm không đúng quy định, không đúng theo thẩm quyền. Đối với 8 Trung tâm y tế trong tỉnh không công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu là không đúng quy định của pháp luật.
Công tác thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cơ quan có thẩm quyền có sai sót đối với 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế năm 2020.
Đáng lưu ý là 14 gói thầu chọn mức giá cao hơn trong dãy giá đã được công bố, trong các báo giá hoặc trong các hình thức được lựa chọn theo quy định. Việc thương thảo, ký kết thực hiện hợp đồng còn có sai sót như: gia hạn 3 hợp đồng, thay đổi nhóm hàng hóa khi mua sắm đã được phê duyệt nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền; ký kết hợp đồng khi chưa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Việc phân bổ thiết bị, kít test, vaccine tại một số thời điểm còn chậm, chưa kịp thời nên có 5/11 huyện tiêm vaccine chưa đạt được kế hoạch đề ra; việc thực hiện tiếp nhận, quản lý xuất, nhập, tồn trang thiết bị y tế còn nhiều sơ hở. Các cơ quan, đơn vị thiếu quản lý, kiểm tra, điều tiết sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế.
Đến ngày 31/12/2021, tỉnh Tiền Giang tồn kho trang thiết bị y tế tại 25 đơn vị trong ngành y tế là trên 64 tỷ đồng. Sau đó, số lượng tồn kho vật tư y tế nói trên được các đơn vị tiếp tục sử dụng đến ngày 28/2/2022 còn gần 46 tỷ đồng; có đơn vị mua nhưng không có nhu cầu sử dụng phải hủy...
Trong 2 năm qua, Tiền Giang dành trên 1.366 tỷ đồng kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, nguồn từ ngân sách nhà nước là trên 1.263 tỷ đồng và đã chi trên 1.297 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 43 đơn vị có liên quan đến việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền trúng thầu trên 800 tỷ đồng, trong đó có 1 gói thầu mua của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á có tổng giá trị mua sắm trên 19,4 tỷ đồng…/.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL