Tiếng Việt | English

21/02/2017 - 18:47

Giữ gìn vệ sinh để phòng tránh bệnh tay - chân - miệng

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) là loại bệnh dễ lây lan, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi - lứa tuổi tập trung ở các trường mầm non, mẫu giáo. Bệnh hiện chỉ có thể phòng tránh vì chưa có thuốc phòng ngừa cũng như đặc trị.

Trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng tránh  bệnh tay - chân - miệng

Nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước bệnh nguy hiểm này, hầu hết các trường đều chú trọng công tác vệ sinh phòng tránh dịch bệnh.

Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - Bùi Thị Kim Tuyền chia sẻ: “Trường có 12 lớp, với 373 em. Để phòng tránh dịch bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng, mỗi ngày, giáo viên đều thực hiện vệ sinh lớp học và tổng vệ sinh các lớp hàng tuần. Nhà trường trang bị 1 bồn nước rửa tay ở nhà ăn với 25 vòi nước nhằm tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước và sau khi ăn. Mỗi lớp học còn trang bị 3 vòi nước để các em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Ngoài ra, nhà trường luôn lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm, quy cách chế biến bảo đảm đúng quy trình, hợp vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng”.

Tại nhóm trẻ Lớp mẫu giáo độc lập tư thục Hoa Thiên, ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An có 36 trẻ, việc vệ sinh phòng bệnh TCM được nơi đây chú trọng. Cùng với tổ chức khử trùng toàn bộ đồ chơi, lau rửa sàn nhà, vật dụng,... trẻ thường xuyên tiếp xúc, trường còn tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh TCM đến các bậc phụ huynh.

Chủ nhóm Lớp mẫu giáo độc lập tư thục Hoa Thiên - Nguyễn Thị Thanh Trúc cho biết: “Trước khi nhận và trả trẻ, giáo viên đều xem xét các biểu hiện, triệu chứng của trẻ nhằm kịp thời phát hiện bệnh, có biện pháp điều trị, tránh lây lan cho trẻ khác. Sắp tới, chúng tôi xây dựng thêm 2 máng nước ngoài trời, mỗi máng 7 vòi nước để trẻ rửa tay, phòng tránh dịch bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng”.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 155 ca mắc bệnh TCM, không ghi nhận ca tử vong. Tổng số ca mắc tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2016 (2016: 129 ca). Huyện có số ca mắc nhiều là Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức và TP.Tân An.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An - bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Lứa tuổi mầm non là độ tuổi chưa ý thức được việc tự bảo vệ bản thân mình nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó, mắc nhiều nhất là bệnh TCM,...”.

Hiện nay, bệnh TCM đang diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).

Vệ sinh thường xuyên lớp học để phòng tránh dịch bệnh nói chung và bệnh tay - chân - miệng nói riêng cho trẻCần sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi,... chưa được khử trùng.

Hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Hộ gia đình, các trường mẫu giáo, mầm non và các nhóm giữ trẻ cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ nhằm kịp thời phát hiện và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh để được hướng dẫn, điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác nhằm tránh lây lan trong cộng đồng./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích