Tiếng Việt | English

25/06/2021 - 10:24

Giúp thanh niên lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Tái hòa nhập cộng đồng đối với thanh niên (TN) lầm lỡ là một trong những hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự chung tay của toàn xã hội để giúp những người lầm lỡ trở thành người có ích, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Giáo dục, cảm hóa bằng tình yêu thương giúp phạm nhân xóa bỏ mặc cảm, tự ti, nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống mới (Ảnh tư liệu)

Giáo dục, cảm hóa bằng tình yêu thương giúp phạm nhân xóa bỏ mặc cảm, tự ti, nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống mới (Ảnh tư liệu)

Chung tay phối hợp

Từ năm 2016 đến nay, số phạm nhân trong độ tuổi TN (từ đủ 18 đến 30 tuổi) chấp hành án tại Trại giam Long Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hàng năm chiếm bình quân từ 39-43% trong tổng số phạm nhân Trại quản lý.

Phạm nhân trong độ tuổi TN hầu hết có tâm lý chưa ổn định, nhận thức còn nhiều hạn chế, bồng bột nên dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng. Những hành vi bộc phát, thiếu suy nghĩ khiến họ dễ nảy sinh mâu thuẫn, va chạm, không lường trước hậu quả về hành vi mình gây ra. Để tuyên truyền, giáo dục TN phạm nhân, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh phối hợp Trại giam Thạnh Hòa, Long Hòa triển khai các giải pháp hỗ trợ TN hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh - Võ Minh Quốc cho biết: “Thời gian qua, Hội LHTN tỉnh đã phối hợp Trại giam Thạnh Hòa, Long Hòa xây dựng kế hoạch với nội dung, phương pháp sinh hoạt đa dạng, tạo sân chơi lành mạnh, lồng ghép chương trình giáo dục, tư vấn về kỹ năng, sức khỏe, giới thiệu việc làm, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp cho phạm nhân. Qua đó, giúp họ xác định phương hướng, mục tiêu để nỗ lực, phấn đấu học tập, cải tạo làm lại cuộc đời sau thời gian chấp hành bản án”.

Từ năm 2016 đến nay, Trại giam Long Hòa, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 13 lớp, trong đó có 213 phạm nhân trong độ tuổi TN tham gia học nghề: May công nghiệp, cắt tóc, hàn, xây dựng, điện công nghiệp, điện lạnh, trồng rau an toàn, đan lát,... với tổng kinh phí gần 390 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và tiếp nhận những người có quá trình học tập, cải tạo tiến bộ, tay nghề phù hợp vào làm việc tại các doanh nghiệp; cho vay vốn từ quỹ khởi nghiệp để xây dựng nghề nghiệp, tạo lập cuộc sống. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tạo điều kiện cho số phạm nhân độ tuổi TN sau khi chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đều có việc làm, cuộc sống ổn định, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái phạm và vi phạm pháp luật.

Nhìn chung, các đơn vị luôn quan tâm công tác dạy nghề cho phạm nhân, căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của phạm nhân, đơn vị tổ chức cho phạm nhân lao động phù hợp. Thông qua lao động giúp phạm nhân nâng cao nhận thức về ý nghĩa và hiệu quả lao động, an tâm cải tạo.

Quan tâm từ cơ sở

Trên địa bàn huyện Thủ Thừa, nhiều thanh, thiếu niên lầm lỡ, vi phạm pháp luật phải trả giá bằng những năm tháng tù tội hay trại cải tạo. Huyện đoàn Thủ Thừa đã lập kế hoạch và phân bổ số lượng cảm hóa thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, TN chậm tiến, có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các Đoàn xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, các cơ sở Đoàn trực thuộc xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình tại địa phương.

Những TN sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí chịu sự kỳ thị của những người xung quanh. Bí thư Đoàn thị trấn Thủ Thừa - Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ, để giúp các đối tượng hoàn lương sớm hòa nhập với cộng đồng, thời gian qua, bên cạnh tuyên truyền, Ban Thường vụ Đoàn thị trấn thường tổ chức gặp mặt TN hoàn lương để động viên, khích lệ, giới thiệu việc làm, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống mới. Riêng trong năm qua, đã có 7 TN chậm tiến, cá biệt được Đoàn thị trấn giúp đỡ thành công.

Do mới lớn, nhận thức kém nên anh A (ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) bị rủ rê, lôi kéo đi theo nhóm “đòi nợ mướn”. Sau đó, anh bị bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản và nhận án treo 3 tháng. Nhờ sự động viên, khuyên nhủ của Đoàn TN, các ban, ngành, đoàn thể xã mà A hoàn lương, cải tạo tốt. Hiện anh được nhận vào làm công nhân tại một công ty, cuộc sống dần ổn định hơn.

Bí thư Đoàn xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ - Nguyễn Minh Hiếu cho biết, 3 năm qua, Đoàn TN xã phối hợp Công an tuyên truyền, vận động ĐVTN thực hiện mô hình 4K: Không vi phạm, không tàng trữ, không sử dụng, không buôn bán ma túy, các chất gây nghiện; vận động TN không vướng vào các tệ nạn xã hội. Đồng thời, Đoàn xã phối hợp lực lượng công an nhận giám sát các TN án treo, chậm tiến. Từ năm 2018 đến nay, Đoàn xã tuyên truyền, giáo dục được 10 thanh niên và các TN này đã có việc làm ổn định. Hiện tại, Đoàn xã nhận cảm hóa 2 TN.

“Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, biết sai rồi sửa sai để cố gắng hoàn lương, sống có ích là điều mong muốn của mọi người. Hy vọng rằng, con đường tái hòa nhập của các TN hoàn lương sẽ ngày càng rộng mở./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết