Tiếng Việt | English

20/07/2018 - 17:13

Hàng trăm ha lúa Hè thu bị ngập nước

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa nhiều cộng với triều cường tăng mạnh nên mực nước trên các tuyến kênh ở 2 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An lên nhanh làm cho hàng trăm ha lúa Hè thu của người dân bị ngập úng.

Nông dân gia cố đê bao bảo vệ lúa

Hàng trăm ha lúa bị ngập úng

Trong những ngày qua, mực nước trên các tuyến kênh tăng nhanh, bình quân mỗi ngày đêm tăng lên từ 5-10cm làm cho hàng trăm ha lúa Hè thu của người dân huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng bị ngập úng, hàng ngàn ha bị đe dọa nếu mực nước tiếp tục tăng. Nhiều diện tích nông dân phải thu hoạch lúa non, làm giảm năng suất.

Ghi nhận tại huyện Tân Hưng, theo báo cáo nhanh của huyện, vụ lúa Hè thu 2018, toàn huyện gieo sạ trên 37.000ha, đến thời điểm này thu hoạch trên 6.000ha. Hiện có 480ha đang bị ngập (xã Thạnh Hưng, Vĩnh Thạnh) và trên 9.000ha (các xã Thạnh Hưng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bữu, Vĩnh Đại…) bị đe dọa, nguy cơ ngập sâu, thiệt hại nặng nếu mực nước tiếp tục tăng từ 20 - 50cm.

Anh Nguyễn Hùng Cường, ấp Rượng Lưới, xã Vĩnh Thạnh cho biết, gần 2ha lúa của gia đình dự kiến khoảng 1 tuần nữa mới thu hoạch, giờ phải thuê máy đắp bờ bao, bơm nước ra để giữ lúa. Anh phải tốn thêm chi phí gần 3 triệu đồng tiền thuê máy và tiền dầu bơm nước.

Hàng trăm ha lúa bị ngập úng

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng - Võ Ngọc Nhồi cho biết toàn xã có hơn 4.100ha, hiện thu hoạch khoảng 500ha, trong đó có 100ha phải thu hoạch lúa non. Xã Vĩnh Thạnh còn hơn 3.500ha chưa thu hoạch, trong số này có 300ha đang ngập sâu (30- 50cm), hơn 3.000ha có nguy cơ thiệt hại nặng nếu nước tăng liên tục như những ngày qua.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Tô Văn Chảnh, địa phương cho thu hoạch gần 1.000/28.5000ha tại một số xã vùng thấp của huyện. Một số diện tích cũng đang bị ảnh hưởng, trong đó có 56 ô đê bao với diện tích khoảng 3.000ha nếu mực nước tăng từ 20 - 40cm sẽ phải tập trung phòng chống.

Phải thu hoạch lúa non

Tại khu đê bao thuộc ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, hàng chục ha lúa bị ngập sâu, nhiều diện tích trong khu vực này nông dân chủ chủ động bơm rút nước ra để thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận cho biết, những ngày qua, hơn 1ha lúa của ông phải tốn thêm gần 500 ngàn đồng tiền dầu để bơm nước ra trong khi vài ngày nữa mới đến ngày thu hoạch. Mực nước tăng mạnh nên phải huy động 2 máy cắt để thu hoạch nhanh.

Nhiều diện tích phải thu hoạch lúa non

18ha lúa của gia đình ông Huỳnh Văn Mẫn, ấp Đường Xe, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng còn khoảng 10 ngày nữa mới đến ngày thu hoạch nhưng buộc phải thu hoạch sớm. Điều này không chỉ làm giảm năng suất mà còn bị thương lái ép giá. Hiện, năng suất giảm khoảng 30%, dù được thương lái bỏ cọc giá 5.400 đồng/kg nhưng khi thu hoạch giá chỉ còn 4.400 đồng/kg.

Nhiều diện tích lúa ngập sâu trong nước

Còn gia đình anh Huỳnh Văn Hưng cũng phải thu hoạch lúa non với diện tích 9ha. Sau khi thu hoạch, thương lái chỉ trả giá 4.000 đồng/kg vì lúa còn quá xanh. Theo anh Hưng, chi phí bỏ ra trong vụ này gần 200 triệu đồng. Với giá bán này, a không có lợi nhuận.

Chủ động phòng chống

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết, trước tình hình trên, địa phương vận động nhân dân thu hoạch nhanh lúa Hè thu với phương châm lúa chín tới đâu thu hoạch đến đó, vận động nhân dân tự lực gia cố những đoạn đê xung yếu. Đối với khu vực lớn, tập trung đưa cơ giới hóa gia cố đê bảo vệ lúa, tổ chức bơm rút nước chống ngập úng.

 Huy động cơ giới gia cố đê bao, hạn chế tđến mức hấp nhất thiệt hại 

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng cho biết: “Trên địa bàn huyện còn nhiều diện tích lúa trong giai đoạn chín. Nếu nước lũ tiếp tục tăng như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng nặng. Huyện chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao xung yếu, không để xảy ra tình trạng nước tràn vào ruộng, đồng thời phân công thành viên phụ trách địa bàn chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của người dân”./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích