Tiếng Việt | English

04/08/2017 - 20:30

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để bảo vệ lúa, bảo vệ dân

Nước lũ đổ về kết hợp với lượng mưa tại chỗ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong mấy tuần qua làm hàng ngàn hecta lúa Hè Thu bị ảnh hưởng. Các địa phương tiến hành gia cố đê bao, đưa lực lượng xuống hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.


Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra tình hình lũ để chủ động phòng, chống

Mực nước lũ biến động chậm

Theo báo cáo nhanh của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An mực nước lũ trong mấy ngày qua trên địa bàn biến động chậm (chựng lại). Hiện, mực nước đo được tại thị trấn Tân Hưng là 1,78m, cao hơn cùng kỳ 99cm. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã thu hoạch 33.684/38.290ha lúa Hè Thu, trong đó, có 4.032ha bị ảnh hưởng do lũ (94,8ha bị thiệt hại hoàn toàn, 247,8ha bị giảm năng suất 70-80% và 2.027ha giảm năng suất 20-30%).

Số diện tích còn lại có 679,5ha đang bị ngập, giảm năng suất 10-20%; 1.077ha nước lên 30-50cm nữa sẽ tràn đê. Ngoài ra, có 1.984/11.198ha lúa Thu Đông có khả năng bị ảnh hưởng, trong đó, 449ha bị ảnh hưởng nếu nước dâng thêm từ 40-50cm; 1.535ha ảnh hưởng nếu nước dâng thêm từ 70-100cm.

Trong những ngày gần đây, mực nước lũ tại huyện Vĩnh Hưng tăng từ 1-2cm/ngày đêm. Mực nước đo được tại thị trấn Vĩnh Hưng là 1,71m, cao hơn cùng kỳ 77cm. Đến thời điểm này, huyện đã thu hoạch 16.894/28.419ha, trong đó, có 30ha phải thu hoạch chạy lũ, 8.400ha có khả năng bị ảnh hưởng do lũ.

Số diện tích còn lại có hơn 8.500ha dự kiến thu hoạch trong 10 ngày tới, gần 3.000ha dự kiến thu hoạch từ 10-20 ngày tới. Hiện các khu đê bao sau khi gia cố tương đối vững chắc (chỗ thấp nhất cao hơn mực nước bên ngoài 30cm; chỗ cao nhất, cao hơn mực nước bên ngoài 70-100cm).

Tại huyện Mộc Hóa, mực nước lũ dao động tăng 1-2cm/ngày đêm. Vụ Hè Thu, toàn huyện gieo sạ 21.625ha. Đến thời điểm này, huyện đã thu hoạch 1.263ha. Số diện tích có khả năng bị ảnh hưởng lũ sớm là 5.886ha (trong đó, có 305ha tại xã Tân Lập chưa có đê bao). Huyện phối hợp các ngành tiến hành gia cố các bờ bao để bảo vệ lúa.


Lũ về làm ngập một số diện tích lúa Hè Thu, người dân phải thu hoạch sớm

Gia cố hàng trăm km đê bao

Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Thắm cho biết: Trước tình hình lũ về sớm, ảnh hưởng nhiều diện tích lúa Hè Thu, huyện huy động phương tiện cơ giới gia cố đê bao bảo vệ diện tích lúa bị lũ đe dọa, đồng thời vận động người dân gia cố bờ bao, thu hoạch nhanh diện tích lúa với phương châm “Lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đó”.

Đến nay, huyện gia cố được 13 khu vực với chiều dài hơn 22km; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ gia cố 5 tuyến đê xung yếu với chiều dài hơn 14km; người dân thuê phương tiện gia cố các tuyến đê bao nhỏ với chiều dài hơn 36km. Ngoài ra, huyện còn huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh, Công an, Dân quân và đoàn viên, thanh niên giúp dân thu hoạch gần 50ha lúa bị ngập nặng và gia cố 9km đê bao.

“Huyện Vĩnh Hưng huy động 25 kobe, 6 xáng cạp gia cố và đào đắp mới 89 tuyến đê xung yếu với chiều dài hơn 100km để bảo vệ lúa. UBND các xã vận động nhân dân tự lực gia cố các đầu máng bơm, những đoạn xung yếu ngắn trên phần ruộng của mình để bảo vệ lúa. Huyện huy động lực lượng Biên phòng, Bộ đội giúp dân gia cố các tuyến đê bao xung yếu với hàng trăm lượt cán bộ tham gia” - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp cho biết.

Trước tình hình mưa, lũ, huyện Mộc Hóa tiến hành họp dân, vận động hơn 3.000 người tham gia, huy động 60 chiếc kobe, 4 chiếc xáng cạp gia cố gần 100km đê bao cao hơn mực nước hiện tại từ 40-50cm, đắp 123 đầu kênh và 4 đập rạch lớn.

Theo Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa - Lê Văn Chính: “Bên cạnh gia cố đê, huyện phân công lực lượng trực 24/24 giờ nắm bắt tình hình, huy động doanh nghiệp đặt 6 máy bơm điện phục vụ diện tích 1.050ha, 1.000 máy bơm của người dân để bơm nước ra khỏi đồng ruộng, chống úng. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, huyện chưa ghi nhận thiệt hại do mưa, lũ gây ra”.


Gia cố đê bảo vệ lúa

Cần theo dõi chặt chẽ

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp cho biết thêm: “Nếu nước lũ tăng chậm như hiện nay thì khả năng số diện tích còn lại sẽ bảo đảm an toàn. Nếu thời tiết có mưa lớn kéo dài và nước lũ tiếp tục đổ về với cường suất cao thì số diện tích còn lại có khả năng tiếp tục bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã thường xuyên kiểm tra, tiếp tục tổ chức gia cố đê bao để không xảy ra tình trạng nước tràn vào ruộng gây thiệt hại. Đồng thời, huyện kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí tổ chức gia cố khẩn cấp các tuyến đê bao bảo vệ lúa; xem xét ghi vốn đầu tư một số công trình phục vụ sản xuất; hỗ trợ huyện kinh phí đầu tư thay mới các máy bơm của trạm bơm xả lũ khu đê bao thị trấn Vĩnh Hưng."

Huyện Tân Hưng cũng kiến nghị tỉnh xem xét triển khai thi công các công trình trong kế hoạch năm 2017; hỗ trợ kinh phí cho huyện gia cố các tuyến đê bao bảo vệ lúa Hè Thu; hỗ trợ sửa chữa Trạm Tiêu úng khu A và khu B, thị trấn Tân Hưng.

Tại buổi làm việc với các huyện vùng Đồng Tháp Mười về tình hình lũ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Hè Thu 2017 vào ngày 03/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các sở, ngành liên quan và các huyện cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; tiếp tục kiểm tra hệ thống đê bao, chủ động gia cố, phân công thành viên phụ trách từng vùng, từng địa bàn có biện pháp xử lý để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Các công trình của tỉnh có kế hoạch năm 2017 khẩn trương triển khai thi công. Các huyện tổng hợp và phối hợp sở, ngành liên quan báo cáo tỉnh để có chính sách hỗ trợ phù hợp chi phí thực hiện gia cố đê bao, hỗ trợ thiệt hại cho người dân (cần xác định nguyên nhân, hỗ trợ đúng thực tế), vận động người dân trong vùng hiến đất để thi công, gia cố đê bao, bảo vệ an toàn số diện tích lúa lúa còn lại,…

Bên cạnh đó, các địa phương cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, nếu trường hợp xảy ra sự cố thì những đơn vị, cá nhân trực tiếp phải chịu trách nhiệm - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh./.

Văn Đát - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích