Tiếng Việt | English

21/11/2019 - 14:07

Hàng trăm nhà vượt lũ bị bỏ hoang nhiều năm

Qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh Long An có gần 250 căn nhà trong Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư (C,TDC) vượt lũ bị bỏ hoang. Trong đó có cả những trường hợp gia chủ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng vẫn bỏ hoang nhà. Một trong những nguyên nhân bỏ hoang nhà vượt lũ là do đi nơi khác tìm việc làm.


Toàn tỉnh có gần 250 căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang. Nhiều căn bị bỏ hoang cỏ mọc che khuất, hư hỏng nặng

Vào ở chỉ đạt hơn 52%

Như nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2002, Chương trình xây dựng C,TDC vượt lũ chính thức được triển khai thực hiện tại Long An. Theo đó, toàn tỉnh có 165 C,TDC (gồm 104 cụm, 61 tuyến) ở 10 huyện, thị xã gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường với tổng số 33.944 lô nền (trong đó, hộ đối tượng 19.466 lô nền, hộ sinh lợi 14.478 lô nền). 

Đến nay, tổng số hộ dân đã vào ở 17.866 hộ/33.944 hộ, đạt 52,6% (trong đó, hộ thuộc đối tượng 13.296 hộ và hộ sinh lợi 4.570 hộ). Mặc dù việc xây dựng nhà ở theo chương trình xây dựng C,TDC vượt lũ được hưởng ưu đãi, chính sách của Nhà nước, tuy nhiên, qua nhiều năm, vẫn có nhiều căn nhà được xây dựng xong nhưng bị bỏ hoang. 

TDC vượt lũ ở ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại và TDC ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng có hơn 400 căn nhà được xây dựng. Thời gian qua, có khoảng 10 căn nhà không có người ở. Những căn nhà bị bỏ hoang rất dễ nhận ra vì cửa luôn đóng chặt, bên trong đầy mạng nhện, rác, tường nhà nứt nẻ; phía trước, cỏ mọc um tùm, cao quá đầu người hoặc được hàng xóm tận dụng để củi, vật tư nông nghiệp.

TDC vượt lũ ở ấp Mương Khai, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa có vị trí đẹp vì nằm sát trục đường chính dẫn về trung tâm huyện, đã có nhiều căn nhà được xây dựng. Tuy nhiên, những năm qua, có 10 căn nhà quanh năm đóng cửa im ỉm hoặc bị bỏ hoang. “Những căn nhà bị bỏ hoang là do chủ quay trở về nhà cũ, gần ruộng, vườn, thuận tiện cho việc canh tác, có người lên thành phố làm công nhân để kiếm thu nhập” - bà Lê Thị Thu, một người dân sống trên TDC, cho biết.

Một trong số căn nhà bị bỏ hoang

Một trong số những căn nhà bị bỏ hoang

Gần 250 căn nhà bị bỏ hoang 

Về tình trạng bỏ hoang nhà vượt lũ mà báo chí đặt ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà cho biết “Qua rà soát của 10 huyện, thị xã, hiện trên toàn C,TDC vượt lũ ở tỉnh có 248 căn nhà bị bỏ hoang. Trong đó, chủ yếu xảy ra trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Hòa”.

Cụ thể, huyện Tân Hưng có 53 căn bị bỏ hoang, trong đó qua phân loại đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ 30 căn; không ở từ lúc xây dựng xong do đi làm ăn xa và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là 17 căn; không ở từ lúc xây dựng xong do đi làm ăn xa, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính là 6 căn.

Tại huyện Mộc Hóa, có 41 căn nhà bị bỏ hoang, trong đó do đi làm ăn xa, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính 11 căn; không ở do đi làm ăn xa và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính là 30 căn. 

Huyện Thạnh Hóa có 50 căn nhà bị bỏ hoang, trong đó 8 căn đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, 2 căn đã chuyển nhượng giấy chứng nhận QSDĐ lại cho người khác; 40 căn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 

Thủ Thừa có 18 căn bỏ hoang, trong đó 16 căn đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính; 2 hộ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. 
Đức Hòa có 86 căn (chưa có thống kê trường hợp đã được cấp giấy và chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ; bao nhiêu trường hợp đã hoàn thành và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính). 

Các huyện không có nhà bị bỏ hoang trong C,TDC gồm: Bến Lức, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.
Nhiều người thắc mắc tại sao vẫn có những trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng vẫn bỏ hoang nhà, không vào ở? Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà, việc hộ dân xây dựng nhà và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng không vào ở là do nguyên nhân khách quan. Trong đó, do người dân vùng lũ quen sống với nhà ở gắn liền ruộng, vườn, ven kênh, rạch để làm ăn, sinh sống. Do đó, khi vào sống trong C,TDC tốn kém chi phí sinh hoạt lại không có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt làm cho người dân ngán ngại. Có trường hợp do đi làm ăn xa không về hoặc ít về nên quanh năm nhà trên C,TDC đóng cửa im ỉm.

Nhà bị bỏ hoang xuống cấp

Nhà trong Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ bị bỏ hoang

Mặt khác, theo chính quyền các địa phương, những năm gần đây, mực nước lũ không cao, vì vậy người dân chưa quan tâm đến việc vào ở trong C,TDC vượt lũ. Cùng với đó, một vấn đề mà nhiều năm qua được cử tri, báo chí nói đến rất nhiều là các giải pháp tạo việc làm cho người dân trên nhiều C,TDC vượt lũ chưa mang lại hiệu quả cao nên khó thu hút người dân vào ở hoặc đã vào ở nhưng không có việc làm nên phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.

Về vấn đề nhà C,TDC vượt lũ, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, xã kiểm tra cụ thể từng đối tượng, đã xây dựng nhà nhưng chưa vào ở, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ thu hồi, chuyển sang hộ khác đối tượng chương trình có nhu cầu vào ở.

“Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương vùng lũ đẩy mạnh việc rà soát thu hồi nền đã xây dựng nhà nhưng chưa vào ở; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ thu hồi chuyển sang hộ khác đối tượng chương trình có nhu cầu vào ở. Đồng thời, thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung các điểm sản xuất, kinh doanh để thu hút người dân vào ở theo quy định của Quyết định 714/QĐ-TTg,
ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng C,TDC và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2020” - bà Đặng Thị Thúy Hà thông tin.

Việc các hộ dân xây  dựng nhà trên cụm, tuyến dân cư và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại không vào ở được phân tích là nguyên nhân khách quan. Trong đó, có phần do người dân vùng lũ quen sống với nhà ở gắn liền với ruộng, vườn, ven kênh, rạch để làm ăn, sinh sống. Do đó khi vào sống trong cụm, tuyến dân cư tốn kém chi phí sinh hoạt lại không có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt làm cho người dân ngán ngại. Có trường hợp lại do đi làm ăn xa không về hoặc ít về nên quanh năm nhà trên cụm, tuyến đóng cửa im ỉm"./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết