Tiếng Việt | English

18/03/2022 - 08:26

Hành động tích cực hơn để đem lại hạnh phúc

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (Ngày Hạnh phúc) là ngày 20 tháng 3 hàng năm, bắt đầu kể từ năm 2013. Ngày này được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn nhằm tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới, là ngày của hành động tích cực và nỗ lực nhiều hơn để đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng từ Bhutan, quốc gia vốn được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Trong cuộc sống, nhiều người hiểu và quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Đó có thể là sự thỏa mãn các điều kiện về vật chất và tinh thần; hạnh phúc là sự sẻ chia, cho đi; mang lại hạnh phúc cho người khác cũng là hạnh phúc;...

Với người Việt Nam, hạnh phúc gắn liền với lứa đôi, gia đình trong quá trình lao động, sản xuất (Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa). Còn Đại thi hào Goethe cho rằng: “Dù vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự bình an trong gia đình, kẻ ấy là người sung sướng nhất”. Như vậy, trước khi nói tới hạnh phúc cộng đồng, xã hội, nhân loại, thì hạnh phúc gia đình chính là đơn vị cơ sở nhỏ nhất, quan trọng nhất.

Bác Hồ kính yêu từng khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Như vậy, dù nền văn minh phương Tây hay văn minh phương Đông đều xem trọng hạnh phúc gia đình.

Chính vì xem hạnh phúc gia đình là cơ sở, nền tảng của phồn thịnh quốc gia, hạnh phúc xã hội và thực hiện mục tiêu của Ngày Hạnh phúc là hành động tích cực hơn để đem lại hạnh phúc cho người người, ngày 28/01/2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí đã góp thêm “sức mạnh” trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

Một trong những mục đích của Bộ tiêu chí là nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dưới tác động của mặt trái từ cơ chế thị trường nên các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa bị tác động, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, trật tự, an toàn xã hội. Tình trạng bạo hành trong gia đình, thiếu an toàn ngoài xã hội còn xảy ra nhiều, môi trường sống bị ô nhiễm. Đáng lo ngại là dịch Covid-19, giá cả tăng mạnh đã tạo áp lực rất lớn lên tâm lý, sức khỏe, chất lượng cuộc sống, học hành, hạnh phúc gia đình,…

Do vậy, muốn xây dựng gia đình, cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc thì cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; đấu tranh với tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực.

Đặc biệt, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người xây dựng, giữ gìn hạnh phúc của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện, nâng chất phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới - xã văn hóa, đô thị văn minh; tạo điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế, có cơ hội học hành, nâng cao đời sống văn hóa,...

Tóm lại, hạnh phúc là cái đích vươn tới của mọi người, mọi gia đình, cộng đồng, quốc gia. Mục tiêu đó trước hết bắt nguồn từ hạnh phúc của mỗi gia đình. Ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết