Gia đình - điểm tựa hạnh phúc
“Có lẽ, bất kỳ ai khi nghĩ về gia đình đều nhớ những câu hát ấm áp của Ngọc Lễ: “Gia đình, gia đình/ Ôm ấp những ngày thơ/ Cho ta bao kỷ niệm thương mến/ Gia đình, gia đình/ Vương vấn bước chân ta đi/ Ấm áp trái tim quay về”. Hai tiếng gia đình thân thương và thiêng liêng ấy luôn là nơi bình yên để tìm về. Chỉ cần nghĩ đến gia đình, những cô đơn, lầm lỡ, khó khăn trong cuộc sống đều được xóa bỏ trong thương mến, bao dung” - Đây là chia sẻ và bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình của vợ chồng ông Lê Văn Việt, ngụ khu phố Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Gia đình ông Lê Văn Việt và bà Lê Thị Phượng hạnh phúc bên nhau
Nhiều năm qua, gia đình ông Việt là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Mấy chục năm chung sống, có với nhau 2 người con, vợ chồng ông chưa bao giờ lớn tiếng cãi vã. Việc nấu cơm, chăm sóc các con, dọn dẹp nhà cửa, ông đều vui vẻ làm cùng vợ. Bà Lê Thị Phượng (vợ ông Việt) bộc bạch: “Ông xã tôi là người cha mẫu mực, gần gũi và hết lòng thương yêu vợ con. Tất cả công việc nhà đều một tay ông làm. Vợ chồng tôi sinh được 2 đứa con đều là gái. Lúc đầu, tôi sợ ông xã buồn, nhưng đến giờ này, tôi biết mình đã không chọn sai người. Ông xã chưa hề phàn nàn tôi một câu. Là phụ nữ mà được như vậy thì hạnh phúc nhất rồi!”.
Trò chuyện cùng vợ chồng ông Việt, bà Phượng, chúng tôi bắt gặp ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của ông bà dành cho nhau. Ông Việt cho biết thêm: “Hai đứa con đã ăn học thành tài, có việc làm ổn định nên vợ chồng tôi không còn phải lo “cơm áo gạo tiền” nữa. Bây giờ, vợ chồng tôi dành thời gian quan tâm nhau nhiều hơn để bù đắp lại những tháng ngày vất vả. Cuộc sống vợ chồng chỉ cần bấy nhiêu thôi là đủ hạnh phúc”.
Hạnh phúc của mẹ đơn thân
Trong cuộc sống, vì lý do nào đó, nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân. Dù cuộc sống của mẹ đơn thân sẽ gặp nhiều “giông bão” nhưng không phải vì vậy mà thiếu đi nụ cười, niềm hạnh phúc. Bà Trần Thị Sáu, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trải lòng: “Ở cái tuổi xế chiều, tôi hạnh phúc khi 2 con ăn học thành tài, có việc làm ổn định và đóng góp tích cực cho địa phương. Lúc quyết định ly hôn và nuôi 2 con, tôi cũng lo lắng, sợ mình tật nguyền không lo được tương lai cho con. Nhưng đến hôm nay, điều tôi lo lắng đã không còn nữa”.
Dù làm mẹ đơn thân, phải trải qua nhiều “giông bão” nhưng cuộc sống gia đình bà Trần Thị Sáu vẫn không thiếu tiếng cười
Cách đây 30 năm, bà Sáu đổ vỡ hôn nhân. Mặc dù có nhiều người theo đuổi nhưng bà quyết lòng không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Đến nay, 2 người con của bà đều thành đạt, người là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Tập 1, người mở dịch vụ cho thuê xe du lịch. Để nuôi 2 con thành tài, bà Sáu trải qua vô vàn khó khăn tưởng chừng có lúc gục ngã. Thế nhưng, chỉ cần nghĩ đến con, bà lại có thêm động lực, niềm tin để vui sống và cố gắng làm tất cả vì con. Điều này cho thấy, đằng sau nỗi vất vả một mình “gánh cả hai vai”, bà Sáu vẫn luôn yêu đời và cảm thấy hạnh phúc với thiên chức làm mẹ.
Thời chiến tranh, bà Sáu hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hòa bình, dù cuộc hôn nhân đổ vỡ nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, bà Sáu khẳng định nghị lực của mình, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Anh Ngô Vĩnh Thuần (con trai bà Sáu) khẳng định: “Tôi luôn hạnh phúc và tự hào về mẹ. Những năm 1990, cuộc sống rất vất vả, trong khi mẹ phải một mình gồng gánh nuôi hai anh em tôi. Vậy mà, mẹ vẫn vượt qua tất cả. Cảm ơn mẹ và yêu mẹ rất nhiều vì cho anh em tôi có được cuộc sống hạnh phúc. Anh em tôi sẽ cố gắng làm cho mẹ hạnh phúc”.
Không may mắn như gia đình ông Việt, bà Phượng nhưng bà Sáu vẫn tìm được niềm vui, hạnh phúc trong mái gia đình không trọn vẹn. Và có lẽ, hạnh phúc của bà là mang đến cho những người mình yêu thương những điều tốt đẹp nhất có thể làm được, nhất là nhìn thấy sự thành đạt của con cháu. Còn hạnh phúc của con cháu là có được người bà, người mẹ tuyệt vời như bà Sáu.
Chia sẻ yêu thương để nhân lên niềm hạnh phúc
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện bằng nhiều cách khác nhau nhằm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Những người làm từ thiện có thể là người giàu, cũng có thể là người nghèo, người khuyết tật. Người làm từ thiện bằng vật chất, người truyền ý chí, nghị lực,... tất cả góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp.
Anh Hà Nguyễn Trung Hiếu thăm, tặng quà gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Từng sa ngã vào tệ nạn xã hội nhưng bằng tình yêu thương của gia đình, người thân, anh Hà Nguyễn Trung Hiếu (Trưởng nhóm Thiện nguyện Cần Đước) không chỉ làm lại cuộc đời mà còn trở thành tấm gương thiện nguyện tiêu biểu ở địa phương. Anh Hiếu nhớ lại: “Trước đây, gia đình rất nghèo nên từ nhỏ tôi đã theo cha bán vé số. Vào đời sớm nên tính tình tôi rất ngang ngược. Năm học lớp 7, tôi đánh nhau với bạn trong lớp và quyết định nghỉ học đi làm kiếm tiền. Sau 1 năm, tôi được cha mẹ, thầy cô khuyên răn nên đi học lại. Hiện tại, tôi là giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Cần Đước. Có được cuộc sống tử tế, nghề nghiệp ổn định, tôi luôn canh cánh một nỗi lòng là làm sao giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây để trả nghĩa cuộc đời và mang đến niềm vui cho những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống”.
Trong một lần nghe trường hợp một học sinh bị bỏng nước sôi nhưng không có tiền nhập viện, anh Hiếu chủ động tìm đến nhà và bỏ tiền túi hỗ trợ em. Thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp biết được hoàn cảnh này cũng ủng hộ tiền để anh Hiếu giúp đỡ em ấy vượt qua khó khăn. Năm 2018, anh Hiếu thành lập Nhóm Thiện nguyện Cần Đước với 11 thành viên nòng cốt. Anh cùng các thành viên trong nhóm dành thời gian gần 2 tháng đi khảo sát tất cả hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện để tìm cách hỗ trợ phù hợp. Làm việc bằng cái tâm, luôn công khai về kinh phí vận động, Nhóm Thiện nguyện Cần Đước được rất nhiều nhà hảo tâm ủng hộ. Riêng năm 2019, nhóm hỗ trợ xây nhà, tặng quà, trợ cấp đột xuất cho hàng trăm trường hợp với tổng kinh phí trên 1,6 tỉ đồng.
Theo chân anh Hiếu đến thăm gia đình anh Hồ Xuân Vũ, ngụ thị trấn Cần Đước, chúng tôi mới cảm nhận được ý nghĩa của câu nói “yêu thương cho đi là yêu thương được nhân lên và còn mãi trong đời sống”. Trong căn phòng thuê trọ, anh Vũ kể cho chúng tôi nghe ước mơ về một căn nhà che nắng, trú mưa. Anh Vũ nghẹn ngào nói: “Vợ tôi bị bệnh tâm thần, hai con còn rất nhỏ. Hàng ngày, tôi bồng đứa nhỏ chưa được 8 tháng đi bán vé số, còn đứa lớn ở nhà với vợ. Thấu hiểu được khó khăn của gia đình tôi, Nhóm Thiện nguyện Cần Đước hỗ trợ hơn 20 triệu đồng mua sữa, bỉm, gạo,... Ngoài ra, nhóm còn làm thủ tục và vận động nhà hảo tâm giúp gia đình tôi xây nhà tình thương. Có được căn nhà là niềm mơ ước của gia đình tôi nhiều năm qua”.
Chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2020 tiếp tục là “Yêu thương và chia sẻ”, bởi đó là cốt lõi dẫn đến hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Hạnh phúc tuy không có mẫu số chung nhưng chỉ cần chúng ta làm và hành động bằng trái tim sẽ cảm nhận được hạnh phúc chẳng ở đâu xa mà từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống./.
Lê Ngọc