Anh Huỳnh Kim Khách luôn sắp xếp công việc, dành nhiều thời gian cho gia đình
Chuyện nhỏ trong nhà
Có một người phụ nữ kể tôi nghe về người đàn ông của cô ấy, suốt hơn 20 năm nay luôn san sẻ cùng cô công việc gia đình, cũng như tạo điều kiện cho cô có thể yên tâm công tác, nghỉ ngơi khi cần thiết. Đó là vợ của anh Huỳnh Kim Khách ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước. Anh hiện là phóng viên Đài Truyền thanh huyện Cần Đước, vợ anh là giáo viên trường Tiểu học Tân Lân.
Gia đình anh Khách là một gia đình nhiều thế hệ, mẹ anh đã ngoài 80, vợ chồng anh và 2 con đang tuổi lớn. Bên cạnh những thuận lợi về việc giáo dục con cái, gia đình nhiều thế hệ cũng có những khó khăn riêng, đòi hỏi người “trụ cột gia đình” phải thật khéo léo và tâm lý để dung hòa tất cả các mối quan hệ trong gia đình. Đơn cử chỉ trong việc ăn uống, sinh hoạt, gia đình đều ưu tiên theo người lớn tuổi. Nhà có người lớn tuổi nên việc nhà cũng nhiều hơn, chính vì thế, anh luôn chủ động san sẻ cùng vợ công việc nhà mỗi giờ tan sở.
Trong suy nghĩ của anh không hề tồn tại “nấu cơm, giặt giũ là việc của đàn bà”, vì anh hiểu, để xây dựng và vun đắp cho mái ấm của mình cần sự cố gắng của cả hai vợ chồng. Chia sẻ về điều đó, anh nói: “Tôi không khi nào nghĩ mình đang phấn đấu vì thành tích “Nam giới điểm 10”. Vì thực ra cuộc vận động này chỉ mới được khởi xướng những năm gần đây. Đối với tôi, trong gia đình, quan trọng nhất là chuyện chia sẻ, không phân biệt việc vợ, việc chồng. Ai làm được thì cứ làm. Và gia đình tôi đã như thế suốt hai mươi mấy nay”.
Ở gia đình anh Khách, bữa cơm gia đình luôn được quan tâm hàng đầu và tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau từ khâu chuẩn bị. Theo anh, điều đó giúp các thành viên gắn bó với nhau, vừa giáo dục con cái về tinh thần trách nhiệm. Chính vì thế, phụ giúp vợ làm bếp, tổng vệ sinh nhà cuối tuần đối với anh và các con chính là niềm vui.
Quan niệm giáo dục con của vợ chồng anh Khách chính là tôn trọng, chia sẻ và hướng dẫn chứ không áp đặt. Và cách giáo dục hữu hiệu nhất chính là bài học trực quan từ ba mẹ. Chính vì thế, trong cách cư xử hằng ngày, anh chị luôn thể hiện sự yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì thế, cả 2 con trai anh đều lễ phép, ngoan ngoãn và đều rất thạo việc nhà. Anh chia sẻ, “bí quyết” của gia đình anh chính là sự trân trọng nhau vì đã cùng nhau vượt qua những quãng thời gian gian khó. Anh kể, đến bây giờ, anh vẫn giữ chiếc áo sơ mi mà chị may cho vào ngày cưới và cô cũng quyết không đổi chiếc nhẫn “mỏng dính” mà anh đã tặng chị bằng tiền công nhổ 60 công đất mạ đến bật máu tay!
2. Những gia đình ấm êm như gia đình anh Huỳnh Kim Khách không phải là hiếm, và những người đàn ông “điểm 10” luôn là điểm tựa cho những mái ấm như thế. Như gia đình anh Đào Minh Luận, cán bộ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh. Mặc dù, không có điều kiện chung sống với bố mẹ 2 bên nhưng mỗi khi có thức ăn ngon, nhiều dinh dưỡng, vợ chồng anh đều mang về ba mẹ vợ hoặc ba mẹ ruột dùng lấy thảo, bồi bổ sức khỏe. Ngày giỗ, ngày tết hoặc lúc “trái gió trở trời” ông bà ốm đau, anh đều cố gắng sắp xếp để thăm hỏi chăm lo tinh thần và vật chất cần thiết. Vợ chồng anh là “rể hiếu” và “dâu thảo” đối với gia đình 2 bên.
Vợ anh làm nghề buôn bán hạt giống rau cải tại Chợ Long An. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, anh đều ra sạp cùng vợ dọn hàng, rồi cùng về nhà chuẩn bị bữa cơm chiều. Đối với anh điều đó là trách nhiệm, là cách chủ thể hiện sự yêu thương đối với vợ mình, và đó cũng là nền tảng vững chắc cho hạnh phúc gia đình anh. Thông cảm với công việc của vợ không có ngày nghỉ, anh cố gắng sắp xếp, chia sẻ khó khăn, động viên kịp thời để xây dựng gia đình hòa thuận.
Anh Luận còn thường xuyên động viên, tạo điều kiện giúp vợ tham gia phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương như Phong trào nuôi heo đất, đóng góp Quỹ Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế…. Anh nói: “Những điều đó giúp bà xã tôi nhận thức được vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của người phụ nữ trong đời sống xã hội, tích cực tham gia phong trào phụ nữ tại nơi cư trú và nơi buôn bán. Hàng năm, gia đình tôi đều được công nhận gia đình văn hóa, ứng xử văn hóa với khách hàng, mua bán trung thực, đúng quy định của nhà nước”. Không chỉ là một cán bộ tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc mà trong gia đình, chú Luận còn là một người chồng, người cha mẫu mực, san sẻ gánh nặng gia đình cùng vợ, chung tay xây dựng mái ấm gia đình.
Hội thi Nam giới điểm 10 - Nơi "đấng mày râu" học hỏi chia sẻ công việc gia đình
Mô hình ý nghĩa
Anh Huỳnh Kim Khách, anh Đào Minh Luận là những điển hình trong rất nhiều những điển hình “Nam giới điểm 10” khác trong toàn tỉnh. Họ là điểm tựa vững chắc, là trụ cột gia đình đúng nghĩa cho mái ấm của mình. Dù bận nhiều công việc cơ quan, nhưng họ luôn dành thời gian để chia sẻ việc nhà, tạo điều kiên cho vợ tham gia công tác xã hội, tham gia các cuộc sinh hoạt các tổ chức đoàn thể địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc,… Họ là người cha mẫu mực yêu thương con, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, là tấm gương mẫu mực để các con noi theo.
Từ khi phát động (năm 2010) đến nay, có 835 nam đạt “Nam giới điểm 10” 6 năm liền, gần 3 ngàn nam giới đạt 5 năm liền, trên 3 ngàn nam giới đạt 4 năm liền, gần 7 ngàn nam giới đạt 2 và 3 năm liền. Số lượng nam giới đạt điểm 10 từng năm đều tăng, năm 2010 có trên 6 ngàn nam giới đạt điểm 10, năm 2015 có trên 13 ngàn nam giới đạt điểm 10. Riêng năm 2015, tất cả các đơn vị, địa phương đã biểu dương và khen thưởng 13.580 nam giới. 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích thực hiện tốt mô hình “Nam giới điểm 10” năm 2015.
Những cá nhân đạt “Nam giới điểm 10” là những người thực hiện tốt nghĩa vụ trong gia đình, thủy chung chồng vợ, yêu thương cha mẹ, con cái. Mỗi thành viên trong nhà luôn có sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ và gánh vác trách nhiệm gia đình. Đặc biệt, họ thông cảm với nỗi lo toan vất vả của người phụ nữ trong cuộc sống hàng ngày. Có nhiều điển hình tiêu biểu “Nam giới điểm 10” trong toàn tỉnh như các anh: Trương Văn Liếp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Thành Công Tú (Sở Giáo dục và Đào tạo), Hoa Vinh Tuấn Kiệt (huyện Thạnh Hóa), Trần Văn Liệt (huyện Mộc Hóa), ….
Từ mô hình “Nam giới điểm 10” đã tạo điều kiện cho nam giới phát huy vai trò trong gia đình, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi gia đình, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội. Đó cũng là tổ ấm yêu thương nơi mỗi thành viên sống bình đẳng, đùm bọc lẫn nhau, không có bạo hành gia đình, là nền tảng của một xã hội bền vững.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội – Nguyễn Thị Bạch Huệ nhận xét: “Kết quả thực hiện mô hình “Nam giới điểm 10” đã góp phần thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Chiến lược quốc gia bình đẳng giới của Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Mô hình cũng đã góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm của nam giới trong việc tạo điều kiện tốt để phụ nữ vừa làm tròn trách nhiệm trong gia đình vừa tham gia công tác ngoài xã hội, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”./.
Phưuơng Phương