Tiếng Việt | English

18/03/2022 - 08:35

Hạnh phúc là sẻ chia, cho đi là còn mãi!

Xuất phát từ cái tâm, tấm lòng thiện nguyện, nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Mọi người luôn tâm niệm “hạnh phúc là sẻ chia, cho đi là còn mãi” và họ chẳng mong sẽ được người khác đền đáp hay trả ơn.

Gặp ai khó khăn cứ hỗ trợ

Đến xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An hỏi thăm Đại đức Thích Tắc Hưng - Trụ trì chùa Thiên Mụ, thì ai cũng biết bởi thầy là tấm gương điển hình về làm công tác thiện nguyện trên địa bàn huyện. Có mặt tại chùa Thiên Mụ vào một buổi sáng cuối tuần khi thầy đang tất bật chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đi thiện nguyện tại tỉnh Đắk Lắk vào cuối tháng 3-2022, thầy chia sẻ: “Thời điểm Long An là một trong những tỉnh “tâm dịch” của cả nước, mọi người đã nhiệt tình hỗ trợ địa phương mình.

Đến khi Long An trở lại cuộc sống bình thường thì mình hỗ trợ lại người dân khó khăn tỉnh bạn. Dịp này, đoàn dự định tặng 500 phần quà, mỗi phần gồm gạo, mì gói và một số nhu yếu phẩm khác cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk với tổng trị giá 150 triệu đồng”. Cũng theo Đại đức, trước mỗi chuyến đi, đoàn đều liên hệ trước với địa phương để nắm số lượng, tìm hiểu nhu cầu của người dân để có sự chuẩn bị phù hợp, thiết thực. Kinh phí thực hiện chương trình được thầy vận động từ phật tử, các cơ quan, đơn vị và mạnh thường quân.

Chùa Thiên Mụ và phật tử trong chuyến thiện nguyện tại miền Trung

Quê ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, Đại đức Thích Tắc Hưng từng là bộ đội xuất ngũ, ở tuổi 30, ông tìm đến cửa Phật như một cái duyên. Về chùa Thiên Mụ đã 23 năm, thầy luôn gương mẫu trong truyền giảng Phật pháp và là người say mê và cảm thấy hạnh phúc khi làm từ thiện. Thăm, tặng quà, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống là một trong số các hoạt động thường xuyên của thầy trên hành trình thiện nguyện.

Từ năm 2000 đến nay, chùa Thiên Mụ đã duy trì hoạt động phẫu thuật mắt miễn phí cho người nghèo. Không phân biệt đối tượng trong hay ngoài tỉnh, chùa sẵn sàng hỗ trợ cho tất cả người dân khó khăn khi có nguyện vọng. Thời gian qua, nhà chùa công bố số điện thoại tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Khi người dân có nhu cầu sẽ đăng ký, sau đó, mọi người được lên danh sách để tham gia ca phẫu thuật, hoạt động được tổ chức định kỳ hàng tháng. Được biết, toàn bộ chi phí phẫu thuật, đi lại, ăn uống đều được nhà chùa hỗ trợ, trung bình có từ 80 đến trên 100 trường hợp/tháng. Song, nhận thấy số lượng cần hỗ trợ nhiều nên khoảng 2 năm nay, hoạt động được tăng lên 4 lần/tháng.

Không chỉ là cầu nối tin cậy gắn kết tấm lòng yêu thương của phật tử và mạnh thường quân mang lại ánh sáng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh, giúp họ tìm lại được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống, Đại đức Thích Tắc Hưng còn nhận đỡ đầu cho 60 trẻ cơ nhỡ, khó khăn tại tỉnh Long An, Đắk Lắk, Ninh Thuận,... Đến nay, 6 em đã trưởng thành và có việc làm ổn định. Ghi nhớ công ơn của thầy và nhà chùa, các em đã quay lại hỗ trợ kinh phí để chùa thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

Đại đức Thích Tắc Hưng - Trụ trì chùa Thiên Mụ, huyện Cần Giuộc, là người say mê làm thiện nguyện

Được trò chuyện cùng Đại đức Thích Tắc Hưng càng khiến chúng tôi khâm phục thầy hơn. Ở tuổi ngoài 60, thầy vẫn rất nhiệt huyết với các hoạt động tại địa phương. Thầy được mọi người tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Mỹ Lộc đã 2 nhiệm kỳ. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thầy và các đệ tử, phật tử chẳng ngại khó khăn, nguy hiểm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Có thể nói, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc vận động kinh phí và mua được lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vốn chẳng dễ dàng. Nhà chùa đã thu mua hàng hóa ở nhiều tỉnh, thành như Tiền Giang, Đắk Lắk, TP.HCM,... Bất kể giờ giấc, chỉ cần xe hàng về giờ nào là mọi người ra nhận giờ đó. Đặc biệt, vất vả nhất là việc đi lại trong giai đoạn địa phương thực hiện giãn cách xã hội bởi ngoài trang bị giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp, mọi người phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Đều đặn 3 ngày/lần, thầy và các đệ tử lại tham gia xét nghiệm tầm soát Covid-19. Câu nói “Không sợ bản thân nhiễm bệnh, chỉ sợ người dân đói” là trải lòng của thầy khi nhắc đến hoạt động vận chuyển lương thực, thực phẩm trao tặng người dân trong đợt dịch lần thứ 4. Được biết, mỗi ngày, nhà chùa đều tổ chức các chuyến xe đi tặng lương thực, thực phẩm cho người dân khó khăn trong tỉnh và một số địa phương lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM,... Tổng kinh phí thực hiện chương trình trong đợt dịch lần thứ 4 là gần 3 tỉ đồng.

Thời gian qua, thầy đã tổ chức nhiều chương trình cứu trợ người dân vùng lũ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn ở miền Tây với tổng kinh phí trên 785 triệu đồng; vận động quà tặng cho nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; vận động, hỗ trợ mai táng cho người nghèo;... Thật khó để có thể liệt kê tất cả hoạt động thiện nguyện mà Đại đức Thích Tắc Hưng đã làm bởi thầy luôn tâm niệm “gặp ai khó khăn cứ phát tâm hỗ trợ”.

Tấm lòng của người con xa xứ

Là người con của xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, anh Trương Lê Quốc Anh Quân (SN 1981) theo gia đình lên TP.HCM lập nghiệp đã hơn 20 năm. Mặc dù sống xa quê và bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh Quân vẫn luôn nhớ về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Thời gian qua, bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, anh đã góp phần chia sẻ khó khăn cùng người dân nghèo tại huyện nhà.

Anh Trương Lê Quốc Anh Quân (bên trái) tặng xe cho bếp ăn từ thiện tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành (Ảnh tư liệu)

Hơn 2 năm nay, mảnh đất của anh tại ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội trở thành địa điểm quen thuộc của bếp ăn từ thiện. Bên cạnh hỗ trợ địa điểm nấu ăn, anh còn thường xuyên trao tặng kinh phí hoạt động cho bếp. Được biết, mỗi ngày, bếp phục vụ hàng trăm suất ăn hỗ trợ tại Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Châu Thành. Ngoài ra, mọi người còn nấu ăn hỗ trợ định kỳ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, BV Phổi Long An, BV Tâm thần Tiền Giang, BV Đa khoa huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang,... Anh Quân tâm niệm “hạnh phúc là sẻ chia, cho đi là còn mãi”. 16 năm gắn bó với các hoạt động từ thiện - nhân đạo, anh không thể nhớ chính xác bản thân đã từng hỗ trợ địa phương nào và bao nhiêu hoàn cảnh. Song, anh chưa bao giờ từ chối bất kỳ trường hợp nào khi họ thật sự khó khăn. Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, anh Quân đứng ra thu mua “giải cứu” nông sản cho nông dân tại huyện Châu Thành, Thủ Thừa (Long An), Củ Chi (TP.HCM) và nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng),... Được biết, toàn bộ số nông sản sau khi “giải cứu” được anh chuyển đến trao tặng người dân khó khăn tại TP.HCM.

Song song đó, năm 2021, anh Quân còn hỗ trợ xây dựng hàng chục căn nhà, trao tặng quà và 2 chiếc xe máy Vision tại huyện Châu Thành với tổng trị giá trên 530 triệu đồng. Trong đợt dịch thứ 4, anh đã hỗ trợ trên 5 tỉ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, Long An và một số tỉnh, thành khác. Anh đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương vì có nhiều đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện.

Cái tình giữa người với người

Trong đợt dịch thứ 4, khi người dân nhiều tỉnh miền Tây đổ xô về quê, gia đình ông Đào Tấn Tài (tạm trú phường Tân Khánh, TP.Tân An) đã nấu và trao tặng hàng trăm suất cơm, nước uống miễn phí hỗ trợ người dân trên đường về quê tránh dịch. Tuy giá trị không lớn nhưng tấm lòng thơm thảo của gia đình ông Tài đã phần nào làm ấm lòng người dân miền Tây. Những khó khăn, bộn bề của cuộc sống giữa đại dịch phần nào được “xoa dịu” bằng sự tử tế và cái tình giữa người với người.

Chị Phan Thị Đoan Thuận (bìa trái) tặng quà người dân khó khăn tại phường 1, TP.Tân An

Không phân biệt kinh phí hỗ trợ nhiều hay ít, chỉ cần người tặng chân thành, tử tế thì mọi sự giúp đỡ đều thật đáng quý. Biết đến các hoạt động thiện nguyện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phường 1, TP.Tân An từ đợt dịch thứ 4, chị Phan Thị Đoan Thuận (SN 1984, khu phố 6, phường 1, TP.Tân An) trở thành mạnh thường quân thường xuyên của Hội.

Chị Thuận tâm sự: “Trước đây, công việc bận rộn nên tôi không thường xuyên cập nhật các hoạt động tại địa phương. Khi dịch bệnh bùng phát, nhìn mọi người xông xáo hỗ trợ người dân đi chợ, tặng quà, tôi quý lắm! Từ đó, tôi quyết định đồng hành cùng Hội trong các hoạt động thiện nguyện như tặng quà các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ quà tết;... chỉ cần trong khả năng của mình thì tôi rất sẵn lòng và cảm thấy vui khi cùng chia sẻ với mọi người”.

Dù nhỏ bé hay lớn lao thì những việc làm ý nghĩa của những người làm thiện nguyện đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho nhiều mảnh đời kém may mắn, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Người “cho” luôn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi sẻ chia cùng người khác./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết