Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 08:39

Hãy dung hòa các mối quan hệ gia đình!

Vì sao các vụ án đau lòng khi bị hại và bị cáo đều là những người thân trong gia đình ngày càng tăng? Vì sao các cặp vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa xin ly hôn tăng, trong khi hầu hết là hôn nhân tự nguyện?... Đó là những câu hỏi xuất phát từ thực tiễn cuộc sống gây bức xúc xã hội, cần có lời giải đáp từ các nhà quản lý xã hội, các chuyên gia trong lĩnh vực gia đình.

Hiện nay, có nhiều người cảm nhận được mối quan hệ giữa các thành viên trong nhiều gia đình ngày càng lỏng lẻo. Một bộ phận khá đông người trẻ, ngoài việc học hành thì “vùi đầu” vào mạng xã hội, game online, ít giao tiếp, chia sẻ với người thân. Một số bạn trẻ có lối sống ích kỷ, đề cao “cái tôi”, hành xử bạo lực, lệch chuẩn. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, kính trên, nhường dưới, thủy chung,... đã và đang có những biểu hiện xuống cấp; tệ nạn xã hội xâm nhập vào các gia đình. Nhiều người lý giải, đó là mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh đến các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Việc bận rộn mưu sinh kéo con người ra xa nhau; người lớn chưa quan tâm, gương mẫu trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho con em;...

Thực trạng đó gióng lên hồi chuông đe dọa phá vỡ, thách thức vai trò, truyền thống, sự ổn định của gia đình. Do đó, việc tăng cường giáo dục văn hóa, đời sống gia đình là một trong những việc làm rất quan trọng, bức xúc và cần thiết.

Ông bà từng dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Việc giáo dục văn hóa, đời sống gia đình không nên “nhồi nhét” kiến thức mà phải bắt đầu bài học dạy làm người tử tế, yêu gia đình, người thân, quê hương, đất nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Muốn thế, phải có môi trường giáo dục tốt. Nơi đó phải có những gia đình văn hóa, hạnh phúc; trường học thân thiện, dạy kiến thức gắn liền đạo đức và kỹ năng sống; ấp, xã văn hóa; môi trường xã hội an toàn. Người lớn phải gương mẫu về đạo đức, hành động, sinh hoạt,... Sống trong môi trường văn hóa như thế, mọi người sẽ yêu thương, gắn bó gia đình, cộng đồng, đó chính là nền tảng của tình yêu quê hương, đất nước.

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm là dịp đề cao, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hướng tới sự phát triển bền vững, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Với mỗi chúng ta, dù vất vả mưu sinh, dù bôn ba kiếm sống vẫn hãy nhớ về gia đình - nơi ấy có những người thân mong đợi, có những bữa cơm ấm cúng, có những người sẵn sàng chia sẻ buồn vui, sưởi ấm trái tim trước giông bão cuộc đời.

Vì chính chúng ta, vì những người thân yêu, vì thế hệ tương lai, hãy dung hòa các mối quan hệ, xây dựng những gia đình hạnh phúc!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết