Tiếng Việt | English

14/02/2021 - 10:45

Hết lòng vì đàn em thân yêu

Chọn nghề giáo, cô Huỳnh Thị Phương Thảo - giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành), đặt lên vai mình trách nhiệm ươm mầm những tài năng và góp phần dìu dắt các thế hệ học trò. 28 năm gắn bó, trải qua bao khó khăn, vất vả, cô Thảo vẫn bám nghề, bởi ngoài trách nhiệm, cái tâm của người giáo viên, còn là tình yêu nghề, mến trẻ được cô đắp bồi theo năm tháng.

Năm 2020, cô Huỳnh Thị Phương Thảo là Nhà giáo duy nhất của Long An được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Gia đình có truyền thống nghề giáo, ngay từ nhỏ, Thảo ấn tượng với hình ảnh người thầy, người cô. Bắt đầu từ đó, Thảo nuôi ước mơ trở thành giáo viên để viết tiếp truyền thống gia đình. Ước mơ ấy được nuôi dưỡng và lớn dần suốt thời phổ thông và năm 1992, cô Thảo chính thức trở thành giáo viên, nhận nhiệm vụ giảng dạy tại quê hương mình.

Cô Thảo chia sẻ: “Cảm xúc lúc ấy của tôi là vui và tự hào lắm! Tôi mang theo hành trang là sự nhiệt huyết, tinh thần học hỏi, cầu tiến và ý chí vượt qua mọi khó khăn để bước vào nghề”. Nhờ sự chuẩn bị ấy nên dù được phân về điểm lẻ, điều kiện dạy học khó khăn, cô Thảo cũng không bỡ ngỡ. “Phòng học vách lá đơn sơ, điều kiện dạy học thiếu thốn, đường vào điểm lẻ rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa nhưng vì thương học sinh nên tôi không ngại khó, ngại khổ. Nỗi vất vả của mình đổi lại là học sinh được học tập, trưởng thành thì không còn gì xứng đáng hơn” - cô Thảo tâm sự.

Cô Thảo luôn quan tâm học sinh chưa nắm bài. Cô thường dành những câu hỏi vừa sức cho các em ấy, tuyên dương khi các em trả lời đúng và dành thời gian ra chơi, đầu giờ hoặc cuối giờ để kèm thêm cho các em. Cô còn xây dựng đôi bạn học tập để những học sinh giỏi giúp đỡ các bạn chưa nắm bài. Riêng học sinh giỏi, có năng khiếu, cô bồi dưỡng và tạo điều kiện để các em phát huy khả năng.

Cô Thảo cho biết: “Tôi luôn nghiên cứu bài kỹ, chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung bài học và trình độ học sinh; đồng thời, thường xuyên sử dụng đồ dùng dạy học, tranh ảnh để tiết học thêm sinh động. Tôi không quá cứng nhắc trong việc bám sát sách giáo khoa mà chọn cách giải thích dễ hiểu, phù hợp với học sinh. Tôi cũng không yêu cầu các em ghi nhớ đúng từng câu, chữ trong sách, tập mà có thể diễn đạt theo cách hiểu của mình. Nhờ những phương pháp dạy học ấy, học sinh tiếp thu bài tốt hơn và hứng thú trong việc học”.

Bên cạnh dạy kiến thức, cô Thảo còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kiến thức xã hội cần thiết cho học sinh. Cô áp dụng dạy mọi lúc, mọi nơi gắn với nội dung môn học và thông qua giao tiếp hàng ngày với các em. Nhờ vậy, học sinh lớp cô Thảo không chỉ học giỏi mà còn chăm ngoan, tự tin và năng động.

Với những cống hiến của mình, cô Thảo được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật như: 5 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2020,... Đặc biệt, năm 2020, cô Thảo là Nhà giáo duy nhất của Long An được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết