Tiếng Việt | English

13/11/2017 - 18:16

Hiệu quả của việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây chanh

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả sử dụng phân hữu cơ vi sinh (PHCVS) trên cây chanh tại huyện Thạnh Hóa, có hơn 20 nông dân trồng chanh của xã Thuận Bình tham gia.


Tham quan mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây chanh

Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An” thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn miền núi do Bộ KH&CN quản lý. Trong khuôn khổ của dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (trung tâm) làm chủ công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất PHCVS tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười với công suất 5.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, trung tâm xây dựng mô hình sử dụng phân phức hợp hữu cơ vi sinh trên một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh, trong đó có cây chanh. Mô hình sử dụng phân phức hợp hữu cơ vi sinh trên cây chanh được xây dựng tại xã Thuận Bình với diện tích 10ha, có sự tham gia của 13 nông dân tiên tiến của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Thuận Bình. Tất cả nông dân tham gia xây dựng mô hình được tập huấn kỹ thuật sử dụng phân phức hợp hữu cơ vi sinh đối với cây chanh.

Sau 6 tháng xây dựng mô hình, cho thấy hiệu quả của việc sử dụng phân phức hợp hữu cơ vi sinh đối với cây chanh so với mô hình đối chứng (sử dụng phân theo cách làm truyền thống của nông dân). Khi sử dụng PHCVS, lượng phân hóa học giảm từ 20-40%, năng suất cao hơn từ 10-20%; cây ra rễ tốt, chống chọi mạnh với sâu, bệnh, lá dày, trái bóng đẹp hơn so với mô hình đối chứng. Sau 3 tháng rải PHCVS, cây xanh tốt, ra lá non nhiều hơn với mô hình đối chứng (lá ngả màu vàng báo hiệu cần bón thêm phân, lá non ít) chứng tỏ độ bền của PHCVS vượt trội hơn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha nhận xét: Với kết quả khả quan, mô hình khuyến khích nông dân chuyển đổi từ sử dụng phân hóa học sang hướng canh tác hữu cơ, giảm phân hóa học, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Việc sử dụng PHCVS còn hỗ trợ cải tạo đất, giúp cây hút dưỡng chất tốt hơn, phát triển nhanh hơn, tạo ra sản phẩm an toàn, giá trị cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Bình - Lê Văn Rựng cho biết, bên cạnh những ưu điểm vượt trội so với phân hóa học, việc bón PHCVS tốn nhiều công lao động hơn do định mức phân sử dụng cho 1ha nhiều (1 tấn/1ha). Ông đề xuất đơn vị chủ trì thực hiện có giải pháp nén viên để giảm công lao động khi bón phân, đồng thời giúp cây hấp thu dinh dưỡng từ từ, tránh hao hụt./.

Lê Thị Ngọc Hiếu

Chia sẻ bài viết