Tiếng Việt | English

27/10/2023 - 08:36

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Cải tạo đất vườn tạp, chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nông dân xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhận thấy trồng lúa vất vả nhưng không mang lại thu nhập cao, nhất là thường xuyên gặp tình trạng “được mùa, rớt giá” hoặc ngược lại, ông Phan Văn Ba (ấp 5, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) chuyển 9.000m2 đất sang trồng khoai môn và gừng, trong đó có 1.500m2 khoai môn, số còn lại trồng gừng.

Được biết, gừng rất “kén” đất trồng, chỉ phù hợp với các loại đất tơi xốp, tầng đất dày, có khả năng giữ nước, thoát nước tốt, độ ẩm đầy đủ trong suốt thời gian sinh trưởng. Thông thường, vào khoảng tháng 3 Âm lịch, khi thời tiết mát mẻ hoặc có mưa, ẩm độ cao, nông dân bắt đầu xuống giống trồng gừng. Gừng trồng khoảng 7 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Do gừng rất “kén” đất trồng nên sau khi thu hoạch, ông Ba chuyển sang trồng khoai môn.

Khoai môn là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chủ yếu phòng bệnh nấm đồng tiền khi gặp mưa. Giá bán khoai môn tương đối ổn định, từ 20.000-30.000 đồng/kg. Do đó, những năm qua, ông Ba trồng 1 năm gừng, 1 năm khoai môn để cải tạo đất, hạn chế dịch bệnh. Ông Ba nhẩm tính: “1.500m2 đất trồng khoai môn, tôi có lợi nhuận trên 10 triệu đồng/vụ. Còn gừng trung bình 1.500m2 đất cho năng suất từ 4-5 tấn, bán giá thấp nhất 10.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/vụ. Lợi nhuận này cao gấp mấy lần so với trồng lúa mà lại nhẹ công chăm sóc”.

Ông Nguyễn Văn Lức (bìa trái) có thu nhập ổn định nhờ chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai môn

Cách đây 4 năm, ông Nguyễn Văn Lức (ấp 5, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) chuyển từ 3.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai môn. Và cứ 1.000m2 đất trồng khoai môn, ông thu lợi nhuận từ 13-14 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng/vụ khi trúng mùa, trúng giá. Sau khi thu hoạch khoai môn, ông tiếp tục trồng đậu bắp, lợi nhuận khoảng 5-6 triệu đồng/1.000m2.

Ông Lức cho biết: “Môn ít sâu, bệnh, không bị tình trạng “dội chợ”. Đặc biệt, cây môn phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Phước Vân, không tốn nhiều nước tưới, trung bình 10 ngày tưới 1 lần. Nhờ chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, gia đình tôi có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên”.

Gia đình bà Phạm Kim Châu tận dụng đất nền nhà trồng sả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống

Thay vì để đất trống, bà Phạm Kim Châu (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) cải tạo 1.500m2 đất để trồng sả. Cây sả phù hợp với nhiều loại đất, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc, chỉ cần làm cỏ, bón phân định kỳ. Bà Châu nói: “Cây sả thích nghi tốt với điều kiện đất khô, nhiễm mặn; đồng thời, không có nhiều loại dịch bệnh như các loại hoa màu khác. Thông thường, sả chỉ mắc bệnh rệp sáp và thối thân vào thời điểm sắp thu hoạch. Thời tiết thuận lợi thì sả cho thu hoạch trung bình từ 1,8-2,5 tấn/1.000m2, giá bán dao động từ 6.000-7.000 đồng/kg. Sả chỉ trồng được 1 vụ/năm, bình quân 4-5 tháng bắt đầu cho thu hoạch, thương lái đến tận nơi thu mua. Ngoài ra, vào mùa vụ thu hoạch sả còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập gần 200.000 đồng/ngày. Nhờ tận dụng đất nền nhà trồng sả, tôi có thu nhập trên 10 triệu đồng/vụ”.

Hiện nay, xã Phước Vân có trên 63ha lúa, trên 150ha rau màu, trong đó, chủ yếu là khoai môn, sả và gừng,... Những diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây khác đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 5-6 lần. Điều này càng khẳng định nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, giúp tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, nông dân được cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết