Tiếng Việt | English

26/07/2023 - 12:18

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - Nguyễn Văn Điệp cho biết: “Tân Thành là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Thạnh, thu nhập của người dân chủ yếu từ việc trồng lúa nhưng thường gặp tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại. Thế nhưng, những năm gần đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hoặc cải tạo, tận dụng đất vườn tạp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Qua đó, xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi ếch, ốc bươu đen; trồng sầu riêng, mít, bưởi,... Năm 2020, xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo còn 3,06%; thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng/năm”.

Ông Nguyễn Văn Khuyên có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ếch giống

Lớn tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, do đó, ông Nguyễn Văn Khuyên (xã Tân Thành) tận dụng vườn, sau đó làm 6 bể bạt nuôi ếch giống. Lý do, ông chọn ếch giống vì nhẹ chi phí và công chăm sóc, nhất là phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Ông Khuyên chia sẻ: "Nuôi ếch giống chỉ cần 1-1,5 tháng là xuất bán, với giá trung bình 300 đồng/con, còn nuôi ếch thịt trên 3 tháng và chi phí đầu tư thức ăn rất cao. Kỹ thuật nuôi ếch giống không khó, người nuôi chỉ cần chú ý đến môi trường nước; đồng thời, vị trí dựng bể phải thông thoáng, ít người qua lại, yên tĩnh. Xung quanh bể nên trồng thêm các loại cây xanh để tạo bóng mát và che chắn cho bể, thức ăn cho ếch giống có độ đạm cao hơn khi nuôi ếch thịt. Bình quân 6 bể nuôi ếch giống với diện tích 21m2/bể, gia đình có thu nhập gần 15 triệu đồng/lần thu hoạch. Nguồn thu nhập này giúp vợ chồng tôi có cuộc sống ổn định, không còn tình trạng “thiếu trước, hụt sau”."

Từ ngày chuyển sang nuôi ong lấy mật, chất lượng cuộc sống của gia đình ông Lương Minh Thuận ngày càng nâng lên

Trước đây, vợ chồng ông Lương Minh Thuận và bà Trần Thị Lành (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) thu nhập chủ yếu từ nghề làm thuê, làm mướn. Trong một lần đi làm thuê cho những người nuôi ong lấy mật, vợ chồng ông Thuận nhận thấy kỹ thuật nuôi không khó, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều nhưng cho thu nhập ổn định. Do đó, vợ chồng ông bàn bạc vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã đầu tư mua 120 thùng, con giống để nuôi ong lấy mật.

Ông Thuận chia sẻ: “Thức ăn cho ong chủ yếu là bột đậu nành, cho ăn 3 lần/ngày. Còn đến mùa bông tràm, ong ra ngoài hút mật nên không cần cho ăn, chủ yếu vệ sinh các thùng. Ong thường mắc bệnh tiêu chảy, bệnh xuất hiện khi nước lũ đổ về, do đó, người nuôi cần phải trộn các loại men vào thức ăn để phòng trừ bệnh tiêu chảy, bảo vệ đàn ong. Từ tháng 11 đến tháng 3 (Âm lịch), sản lượng mật ong nhiều nhất, các tháng còn lại trung bình 10 ngày lấy mật 1 lần”.

Từ khi chuyển sang nuôi ong lấy mật, vợ chồng ông Thuận không còn đi làm thuê, làm mướn xa nhà. Hiện gia đình ông Thuận nuôi trên 200 thùng ong lấy mật, trung bình thu 360 lít/tháng, bán giá 250.000 đồng/lít. Sau khi trừ tất cả chi phí, vợ chồng ông Thuận có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Bà Lành trải lòng: “Ngày xưa, vợ chồng tôi khó khăn lắm! Thu nhập bấp bênh, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, không có dư. Từ khi chuyển sang nuôi ong, vợ chồng tôi có điều kiện sửa lại nhà, đầu tư mua các loại máy để nâng tầm sản phẩm. Đến nay, sản phẩm mật ong của gia đình đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống gia đình ngày càng nâng lên”.

Bà Lưu Ngọc Mãi (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) luôn mơ ước có tiền để đầu tư chăn nuôi bò. Song, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa thực hiện được. May mắn bà được UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp hỗ trợ 10 triệu đồng mua 1 con bò giống và tận dụng đất xung quanh nhà trồng cỏ. Có thêm con giống, bà Mãi có động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Mãi cho biết: “Hiện con bò đã sinh được 1 con bê. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăn nuôi để có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Kinh tế khó khăn, không có nhiều đất sản xuất, thế nhưng nhiều gia đình như ông Khuyên, ông Thuận - bà Lành, bà Mãi chủ động phát huy tiềm năng sẵn có ở gia đình để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này góp phần cùng địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết