Giải phóng sức lao động
Nếu như trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các khâu từ cày, xới đất, cắt lúa,... thì hiện nay, mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa.
Ông Võ Thanh Hùng, ngụ ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng cho biết: “Với gần 5ha đất trồng lúa, trước đây, mỗi khi đến thời điểm xuống giống, gia đình phải thuê người và huy động tất cả thành viên trong gia đình tham gia, từ việc cày bừa, gieo sạ,... cho đến thu hoạch. Ngày trước, cắt lúa thủ công, phải mất cả tuần mới cắt xong 5ha, nhưng từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chỉ mất 1-2 ngày là xong. Có máy móc hỗ trợ, nông dân đỡ vất vả và tiết kiệm được chi phí”.
Có máy móc hỗ trợ, nông dân đỡ vất vả và tiết kiệm được chi phíCũng như ông Hùng, ông Nguyễn Khắc Điệp, người có thâm niên trồng lúa hơn 30 năm ở ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng nói: “Lúc trước, tôi phải thuê trâu, bò cày đất, khi thu hoạch lúa thì thuê người cắt bằng tay, thuê xe chở, máy suốt lúa,... vừa tốn kém lại vừa bị hao hụt. Bây giờ cơ giới hóa hết rồi nên nông dân cũng đỡ cực. Lúa chín, chỉ cần gọi điện là có máy liên hợp vào tận ruộng cắt lúa vô bao, thu gom,...”.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Bùi Văn Hiệu cho biết: Ở địa phương hiện nay, khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển nông sản được thực hiện 100% bằng cơ giới. Ngoài ra, từ sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như vận động sự đóng góp của người dân trong xã, địa phương đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa các kênh, mương thủy lợi; khuyến khích các hộ dân mua sắm phương tiện máy móc để sản xuất.
Đến nay, toàn xã có 210 máy cày lớn, nhỏ để làm đất, gần 500 máy bơm nước, 35 máy gặt đập liên hợp và hơn 500 máy phun thuốc. Với việc áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm cường độ lao động.
Giảm chi phí, tăng thu nhập
Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm các thiết bị nông nghiệp, đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, triển khai các chương trình khuyến nông,... được các ngành, địa phương quan tâm nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất.
Từ nguồn vốn vay cùng với vốn tích lũy, ông Huỳnh Văn Chương, ngụ ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng đầu tư hơn 1 tỉ đồng mua máy gặt đập liên hợp và máy cày với công suất lớn, có thể gắn các dàn máy cuộn rơm, máy kéo, máy xới đất,... cứ đến mùa, tùy theo công việc mà ông thay đổi dàn máy cho phù hợp.
Ông Chương chia sẻ: Đầu tư cơ giới giảm rất nhiều thời gian, chi phí, trong khoảng 1-2 giờ là máy gặt đập liên hợp thu hoạch xong 1ha lúa, khoảng 45 phút là máy cuộn rơm cuộn xong 1ha và cho ra thành phẩm khoảng 150 cuộn rơm. Các khâu cày, trục, gieo sạ cũng giảm rất nhiều thời gian từ khi đưa cơ giới vào sản xuất. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân chủ động mùa vụ, mang lại năng suất cao cho cây trồng, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, đến nay, toàn huyện có hơn 12.000 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp các loại, trong đó có 1.436 máy làm đất và vận chuyển, 5.104 máy phun thuốc, 281 máy gặt đập liên hợp, 5.174 máy bơm nước, 339 máy sạ lúa, rải phân. Số máy móc này góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm khung thời vụ. Việc cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất, cải thiện chất lượng nông sản, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuấtPhó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ đánh giá: Khi vào mùa vụ gieo sạ, thu hoạch, các loại máy móc phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm luân canh đúng thời vụ, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, đồng thời giảm thiểu dịch bệnh do sản xuất đúng thời vụ,... Hiện, trên địa bàn huyện có gần 14.000 máy các loại: Máy cày, máy phun, gặt đập liên hợp, sạ lúa, rải phân,... đặc biệt, số lượng và chủng loại máy tăng lên nhiều trong những năm gần đây, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đạt 100%.
Theo tính toán của nông dân, lúa được sản xuất áp dụng cơ giới hóa đồng bộ không chỉ tăng năng suất 10-20% trên 1 đơn vị diện tích, mà còn giảm được chi phí đầu vào từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa còn giúp tiết kiệm nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật.
Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từng bước khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững./.
Văn Đát