Tiếng Việt | English

03/11/2020 - 10:02

Hiệu quả từ nuôi bò ứng dụng công nghệ cao

Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang là hướng đi đúng, phù hợp, phát huy thế mạnh tại huyện biên giới Đức Huệ, tỉnh Long An. Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi bò như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc, chất lượng đàn bò.

Đàn bò của ông Nguyễn Văn Ninh, xã Bình Hòa Bắc

Đàn bò của ông Nguyễn Văn Ninh, xã Bình Hòa Bắc

Thay đổi thói quen chăn nuôi

Trước khi có Nghị quyết số 08, ngày 04-3-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi bò trên địa bàn chủ yếu nhỏ, lẻ, theo hướng truyền thống. Mặt khác, giống bò địa phương tầm vóc nhỏ, phối giống bằng phương pháp truyền thống, áp dụng gieo tinh chưa nhiều nên chất lượng con giống thấp.

Dinh dưỡng cho bò chủ yếu tận dụng thức ăn sẵn có như rơm, cỏ nên bò phát triển chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất chuồng trại và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Huệ xây dựng Chương trình hành động số 16, ngày 14-6-2017 về xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020. Từ đây, UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC và mục tiêu thực hiện cho từng năm.

Để tạo được sự đồng thuận cao trong người dân về chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, các phòng, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền. “Công tác tuyên truyền phải phân tích cho người dân hiểu, nuôi bò ƯDCNC là hướng đi đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của địa phương, sẽ tạo ra giá trị tăng cao cho người dân” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phạm Văn Luốc cho biết.

Các ngành chuyên môn, địa phương đã tổ chức những chuyến đi tham quan, học tập mô hình chăn nuôi có hiệu quả ở nhiều tỉnh lân cận và tổ chức nhiều đợt tập huấn nuôi bò ƯDCNC. Cũng từ đó, đoàn viên, hội viên tiên phong thực hiện các mô hình điểm, thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.

Sau thời gian xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, đến nay, huyện Đức Huệ đã triển khai, thực hiện ở 7 xã: Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Bắc, Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông.

Nâng cao chất lượng đàn bò và thu nhập cho người nuôi

Đến nay, huyện Đức Huệ đã thành lập được 4 mô hình điểm chăn nuôi bò ƯDCNC của tỉnh tại các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc; 12 tổ hợp tác với gần 170 thành viên tham gia và 1 Hợp tác xã Tây Hòa; thực hiện gieo tinh được gần 2.500 con bò và đàn bò sinh ra gần 1.000 con. Ngoài ra, địa phương xây dựng được gần 60 mô hình trồng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò với diện tích gần 9ha và hỗ trợ 4 mô hình biogas để xử lý chất thải.

Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn của bò, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc đàn bò giống, bê con sinh ra có tầm vóc và trọng lượng cao, lớn hơn. Hộ chăn nuôi tham gia các mô hình từng bước áp dụng cơ giới hóa, trồng cỏ có dinh dưỡng cao và xử lý chất thải trong chăn nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Đông - Trương Thị Thu Trang cho biết: “Nuôi bò ƯDCNC đang là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tin tưởng rằng, thời gian tới, áp dụng theo phương pháp chăn nuôi này tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân”.

Qua tìm hiểu, HTX Tây Hòa có những tín hiệu rất khả quan khi số lượng đàn bò được gieo giống chất lượng cao ngày càng tăng lên. Hiện nay, HTX có 32 thành viên nuôi gần 200 con bò (trong đó có hơn 100 con bò sinh sản). Điển hình, ông Nguyễn Văn Ninh - thành viên HTX, đã đầu tư xây dựng chuồng trại thích hợp để nuôi bò ƯDCNC. Chuồng có máng uống tự động, chất thải được xử lý qua hệ thống bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tầm vóc, chất lượng đàn bò ở huyện Đức Huệ dần cải thiện

Tầm vóc, chất lượng đàn bò ở huyện Đức Huệ dần cải thiện

Ông Ninh cũng chú ý đến nguồn thức ăn cho bò bằng cách chọn trồng các giống cỏ năng suất và chất lượng cao. Hiện ông có 1ha trồng cỏ. Để cho ra những con bò to, khỏe và có lượng thịt nhiều, đàn bò của ông được gieo tinh nhân tạo loại giống tốt. Trong quá trình nuôi, ông thực hiện tiêm phòng các loại bệnh cho bò đúng theo quy trình, hướng dẫn.

“Thời gian qua, tôi đã bán được một số con với giá bình quân 20 triệu đồng/con. Hiện đàn bò tại chuồng 24 con, trong đó có 15 con sinh sản đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao” - ông Ninh tin tưởng.

Để phát triển thế mạnh nông nghiệp tại địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Huệ, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chương trình đột phá là Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò. Chỉ tiêu đặt ra, tổng đàn bò đến cuối nhiệm kỳ 9.000 con, trong đó ƯDCNC đạt 50%./.

Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn của bò, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc đàn bò giống, bê con sinh ra có tầm vóc và trọng lượng cao, lớn hơn. Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện Đức Huệ đặt ra chỉ tiêu, tổng đàn bò đến cuối nhiệm kỳ 9.000 con, trong đó ứng dụng công nghệ cao đạt 50%.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết