Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả
Mang lại hiệu quả
Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh chọn 3 cây trồng (rau, thanh long, lúa), 1 vật nuôi (con bò) để thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch). Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Cây rau xây dựng được 14 mô hình ƯDCNC trong sản xuất, với tổng diện tích 632,9ha. Đồng thời, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An xây dựng 21 nhà lưới, 5 nhà màng, lắp đặt 3 hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước. Tại vùng trồng rau xây dựng hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật làm cho cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch, đẹp.
Các mô hình sản xuất ƯDCNC mang lại hiệu quả cao, lượng phân bón vô cơ sử dụng giảm từ 100-400kg/ha, năng suất tăng 5-20% so với ruộng không sử dụng phân hữu cơ, ít sâu, bệnh, năng suất cao hơn từ 2-5 tấn/ha, sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn,... nên cho lợi nhuận cao hơn từ 20-70 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Anh Lê Phước Tồn (xã Long Khê, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Mô hình sản xuất này góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ, lẻ, tự cung, tự cấp của nông dân để hướng đến sản xuất quy mô lớn. Thời gian tới, THT hướng đến sản xuất sạch, chú trọng bảo đảm an toàn từ chọn giống đến cách chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh. Bên cạnh đó, các thành viên trong THT còn duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát chéo nhằm nâng cao tinh thần tự giác trong việc bảo đảm sản xuất sản phẩm sạch”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, tính đến nay, toàn huyện có khoảng 700ha chuyên canh rau, năng suất bình quân 20 - 22 tấn/ha/vụ. Việc thực hiện mô hình sản xuất rau ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI; từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Sản xuất rau an toàn ổn định đầu ra
Đối với cây lúa, đến nay, toàn tỉnh xây dựng 45 mô hình ƯDCNC, diện tích 2.844ha. Kết quả cho thấy, mô hình ƯDCNC tiết kiệm chi phí ước khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với ngoài mô hình; riêng vụ Đông Xuân 2017-2018, có 23 mô hình (1.193ha) gieo sạ theo lịch khuyến cáo có lợi nhuận cao hơn từ 5-10 triệu đồng/ha. nhiều nông dân áp dụng một phần nội dung triển khai mô hình như áp dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học,... với diện tích ứng dụng trên 2.000ha. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn Dự án VnSAT, tỉnh tổ chức trên 300 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 9.000 lượt nông dân trong vùng, với diện tích khoảng 18.448ha.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh thông tin: “Sản xuất lúa ƯDCNC thời gian qua mang lại nhiều hiệu quả. vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện thực hiện 5 mô hình ƯDCNC với tổng diện tích 250ha. Kế hoạch vụ Hè Thu 2018, huyện sẽ thực hiện 6 mô hình với tổng diện tích 300ha. Mục tiêu trong năm 2018, huyện nhân rộng mô hình nhằm đạt trên 1.400ha sản xuất lúa ƯDCNC. Thời gian qua, tỉnh hỗ trợ huyện thi công 5 công trình phục vụ lúa ƯDCNC với tổng kinh phí 1,9 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện dành 8,5 tỉ đồng đầu tư hạ tầng tại HTX Hưng Phú (xã Vĩnh Thuận) nhằm bảo đảm sản xuất lúa ƯDCNC”.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh xây dựng 14 mô hình trồng thanh long ƯDCNC với diện tích 301,8ha, có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học Wehg, nấm Trichoderma, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,... Kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, người dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh cũng như làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng và lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón,... Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, trong mô hình, lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Đồng thời, huyện Châu Thành triển khai xây dựng 2 mô hình (kế hoạch 4 mô hình) sản xuất thanh long theo VietGAP tại HTX Thanh long Long Hội và Tầm Vu với quy mô 5ha/mô hình và thực hiện 1 mô hình (kế hoạch 2 mô hình) thí điểm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây thanh long tại xã Long Trì.
Tập trung thực hiện
Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: Hiện, kết quả thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC còn chậm so với yêu cầu, nhất là sự phối, kết hợp của các ngành, địa phương, hội, đoàn thể,...trong việc thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, nghị quyết đến người dân. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình, ngành phối hợp địa phương tăng cường thực hiện công tác truyền thông về đề án; đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện đề án; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ trạm bơm.
Bên cạnh đó, các tổ triển khai, thực hiện đề án (trực thuộc sở) xây dựng kế hoạch cụ thể riêng từng cây, con và kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tiến hành triển khai, thực hiện các nội dung cơ bản như khảo sát địa điểm, tập huấn, hướng dẫn các HTX đăng ký thực hiện mô hình,...
Ngoài ra, ngành dự thảo hướng dẫn liên sở: NN&PTNT, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Long An về việc hướng dẫn một số nội dung Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp gửi các sở, ban, ngành, và địa phương góp ý./.
Huỳnh Phong