Tiếng Việt | English

12/05/2019 - 11:41

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại hợp tác xã Vĩnh Thuận

Từ năm 2016 đến nay, việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên cây lúa tại hợp tác xã (HTX) Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Nông dân tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer

HTX Vĩnh Thuận thực hiện mô hình điểm với quy mô 50ha gồm 6 hộ tham gia. Các hộ này được hỗ trợ giống có chất lượng tốt, phù hợp yêu cầu tiêu thụ của địa phương, bón phân theo sinh trưởng cây lúa đồng thời dùng phân hữu cơ bón lót, cải tạo đất nhằm giảm phân bón hóa học.

Theo Chuyên viên Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn, mô hình này giúp tăng thu nhập cho nông dân. Năng suất tuy có thấp hơn so với việc canh tác lúa đại trà như bên ngoài nhưng giá bao tiêu cao hơn do sản phẩm bảo đảm chất lượng, yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.

Việc áp dụng mô hình ƯDCNC mang lại nhiều kết quả khả quan. Về kỹ thuật, các hộ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sạ thưa (từ 100 - 120kg/ha); áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại (IPM); sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy nâu; bón phân theo sinh trưởng cây lúa; xử lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng.

Việc ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng được nông dân hưởng ứng 100%. Trên các bờ ruộng còn trồng hoa thu hút thiên địch và tạo vẻ mỹ quan cho đồng ruộng.

Về hiệu quả kinh tế, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng cơ giới đồng bộ trong sản xuất, gắn kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra góp phần giảm chi phí sản xuất bình quân 1 - 1,5 triệu đồng/ha; lợi nhuận tăng thêm 5 - 6,5 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, việc vận động xuống giống đồng loạt giúp giảm áp lực sâu bệnh. Mô hình là hạt nhân để nhân rộng diện tích trong vùng ƯDCNC, tạo ra lượng lúa đạt chất lượng cho yêu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, mô hình cũng gặp một số khó khăn trong việc triển khai. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền; tổ chức tham quan, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC. Đồng thời, xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản./.

Kim Thảo - Huệ My

Chia sẻ bài viết