Nâng cao thu nhập
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đời sống nông dân được nâng lên, thu nhập tăng trên 20 triệu đồng/năm so với năm 2008. Thực hiện đề án, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung và ƯDCNC, trong đó cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất lẫn chất lượng.
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng 52 mô hình với 3.404ha lúa ƯDCNC trong sản xuất (43 mô hình điểm, diện tích 2.167,1ha), trong đó 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất: Sử dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; ứng dụng máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành, thu hoạch bằng máy; 500ha sử dụng máy cấy; 90% diện tích có cuộn rơm sau thu hoạch; sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giảm phân hóa học, sử dụng chế phẩm nấm xanh quản lý rầy nâu, chế phẩm Sumitri xử lý rơm rạ tránh ngộ độc hữu cơ, trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng và có bao tiêu sản phẩm.
Nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất
Kết quả, mô hình ƯDCNC tiết kiệm được chi phí, ước giảm chi phí so với ngoài mô hình từ 2-2,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 4-6 triệu đồng/ha. Đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, cá biệt có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6-8 triệu đồng/ha. Thông qua các mô hình, nhiều nông dân tự áp dụng một phần nội dung triển khai mô hình như áp dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học,... với diện tích ứng dụng trên 2.000ha.
“Ngoài xây dựng mô hình, việc đào tạo, tập huấn cho người dân trong vùng cũng được quan tâm. Thông qua nguồn vốn Dự án VnSAT, đã đào tạo, tập huấn trên 360 lớp với hơn 9.000 lượt nông dân tham gia, tương đương với khoảng 25.750ha. Sau khi dự tập huấn, có 990 hộ, với diện tích 2.721ha áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, đạt theo các tiêu chí: Lượng giống sử dụng 100kg/ha, lượng phân đạm sử dụng 100-115kg/ha, số lần phun thuốc trừ sâu: 3-4 lần/vụ, có ghi nhật ký sản xuất” - ông Thiện cho biết thêm.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) - Trương Hữu Trí cho biết: “HTX đang triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, ƯDCNC. Thực hiện mô hình sản xuất này, HTX được đầu tư kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia laser, máy gặt đập liên hợp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm về chất lượng lẫn số lượng khi cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Vụ Đông Xuân 2017-2018, Liên hiệp HTX Tân Hưng xuống giống khoảng 2.000ha ƯDCNC, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Toàn bộ sản phẩm được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Có được như vậy, nhờ chúng tôi tạo được uy tín, sản xuất bảo đảm chất lượng, số lượng, liên kết với đơn vị có tâm, có tầm và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền”.
Theo các xã viên thành viên HTX Gò Gòn, nông dân trồng lúa trong cánh đồng lớn không phải làm thủ công như trước. Các khâu đều được cơ giới hóa và dịch vụ lao động lo trọn gói. Giống, vật tư nông nghiệp được doanh nghiệp liên kết với HTX đầu tư đến cuối vụ mới thu hồi vốn. Đầu ra cũng được HTX ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xuất khẩu gạo thu mua toàn bộ sản phẩm với cao hơn thị trường. Lợi nhuận tăng thêm cho các xã viên trồng lúa từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả sản xuất rất rõ và đang thu hút nhiều hộ nông dân xin vào làm xã viên.
Lợi nhuận tăng thêm cho các xã viên trồng lúa từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ
Để sản xuất hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Bước đầu, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh có những tín hiệu rất khả quan. Thời gian tới, để sản xuất lúa ƯDCNC đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền nông dân, các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp về ý thức, mục tiêu và giải pháp triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây trồng. Tỉnh cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC. Đồng thời, xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nông nghiệp.
Trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện tốt liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường)”./.
Huỳnh Phong