Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An - Phan Thị Mỹ Dung chia sẻ, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật HGƠCS trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật HGƠCS trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về HGƠCS. Đến nay, công tác HGƠCS đạt nhiều kết quả tích cực.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út trao thưởng cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở
Toàn tỉnh hiện có 1.002 tổ hòa giải với 5.989 hòa giải viên (HGV), trong đó có 1.474 HGV nữ, bảo đảm số lượng HGV nữ tham gia theo quy định của Luật HGƠCS. Các tổ hòa giải được thành lập bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ hòa giải thành, trung bình hàng năm đều tăng. Từ khi thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao năng lực cho HGV. Khi tham gia hòa giải, HGV thực hiện trách nhiệm, tâm huyết hơn. Bên cạnh đó, HGV có kỹ năng hòa giải kỹ hơn, sâu sát hơn, nghiên cứu giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được sự đồng thuận của các bên cao hơn.
Qua 10 năm, số vụ việc hòa giải thành năm sau tăng cao hơn năm trước và số vụ việc hòa giải ở cơ sở từ năm 2015 đến năm 2022 giảm hơn 48%. Cụ thể, giai đoạn 2015-2018, tiếp nhận 9.125 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 8.082 vụ việc, đạt trung bình 88,54%; giai đoạn 2019-2022, tiếp nhận 4.424 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 4.060 vụ, đạt trung bình 91,8%. Trong năm 2023, đã tiếp nhận 918 vụ việc, hòa giải thành 881 vụ việc, đạt 96%.
Qua đó cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động HGƠCS lan tỏa, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Qua việc vận dụng những quy định pháp luật để giải thích, phân tích, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, HGV giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung trao thưởng cho tập thể, cá nhân dịp tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở
Bà Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác HGƠCS đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, góp phần không nhỏ trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh những kết quả, quá trình triển khai thi hành Luật còn tồn tại, hạn chế xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân khách quan (quy định về Tòa án nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành, quy định về bố trí kinh phí, về nguồn lực,...). Để Luật HGƠCS đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của Luật HGƠCS và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nghiên cứu, khảo sát, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, mới, cách làm hiệu quả trong công tác HGƠCS trên địa bàn.
Tháng 11/2023, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật HGƠCS, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đã yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ trì, phối hợp UBMTTQ Việt Nam cùng cấp, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về HGƠCS nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư thông qua công tác HGƠCS.
Ông Nguyễn Văn Út cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, HGV ở cơ sở bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, chất lượng theo quy định; tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động HGƠCS nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này phù hợp với thực tiễn tại địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí,...
Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng HGƠCS thường xuyên được tổ chức để nâng cao trình độ, năng lực cho tổ hòa giải và HGV, phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành cao (duy trì, giữ vững trên 90%); định kỳ hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong công tác HGƠCS trên địa bàn.
Đối với các tổ hòa giải và HGV ở cơ sở, trong quá trình tham gia HGƠCS phải luôn tâm huyết, nhiệt tình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để tiếp cận tất cả các vụ việc tranh chấp xảy ra tại địa phương thuộc phạm vi HGƠCS. Qua đó, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh./.
Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, góp phần không nhỏ trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung
|
Sở Tư pháp Long An