Tiếng Việt | English

19/07/2022 - 22:10

Hiệu quả bước đầu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sau thời gian thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) đã đem lại những hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh Long An mà nhiều đương sự đã lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết đơn khởi kiện của mình.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Cải cách tư pháp tỉnh - Nguyễn Thành Vững phát biểu tại buổi giám sát công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án của TP.Tân An

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Cải cách tư pháp tỉnh - Nguyễn Thành Vững phát biểu tại buổi giám sát công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án của TP.Tân An

Hơn 30% người khiếu kiện lựa chọn hòa giải, đối thoại theo luật

Sự ra đời của Luật HGĐTTTA là quy định mang tính đột phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Với tòa án, việc đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp, trong khi biên chế không tăng.

Sau khi Luật HGĐTTTA có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, việc triển khai thi hành được TAND 2 cấp trong tỉnh khẩn trương thực hiện. Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, đến nay, TAND 2 cấp trong tỉnh có 71 hòa giải viên (HGV). Tất cả HGV đều đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, đã qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn do TAND Tối cao tổ chức. Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc cho HGV cơ bản bảo đảm và đang được tiếp tục đầu tư bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Ngoài việc triển khai, quán triệt kịp thời các chủ trương, văn bản chỉ đạo của TAND Tối cao, TAND 2 cấp còn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho người dân về Luật HGĐTTTA từ khâu tiếp nhận đơn. Cụ thể, đơn vị phân công thư ký trực tại tổ hành chính tư pháp để giải thích về chế định HGĐTTTA. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải thích về những lợi ích của người dân khi chọn HGĐTTTA.

 Bên cạnh đó, TAND 2 cấp phối hợp cơ quan truyền thông tuyên truyền Luật HGĐTTTA trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nắm rõ để luật nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Từ khi thực hiện Luật HGĐTTTA đến giữa tháng 6/2022, TAND 2 cấp nhận tổng cộng 9.376 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trong đó có 2.880 trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn hòa giải, đối thoại theo luật, chiếm 30,7% (cấp tỉnh 113/847 trường hợp, cấp huyện 2.767/8.529 trường hợp). Tất cả trường hợp đồng ý chọn hòa giải, đối thoại đã được TAND 2 cấp thực hiện việc chỉ định HGV đúng thời hạn theo quy định tại Điều 17 của Luật.

Sau khi được chỉ định, tất cả các HGV thực hiện đúng quy định tại Điều 21 của Luật về công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại, trong đó có 2.508 vụ đã được HGV tổ chức hòa giải, đối thoại, đạt 87%; 372 vụ chưa đến thời gian hòa giải, đối thoại theo thông báo của HGV, chiếm 13% .

“Trong số 2.508 vụ việc được tổ chức hòa giải, đối thoại, có 1.128 vụ việc đã hòa giải, đối thoại thành, đạt 44,97%; 1.380 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại được, chiếm 55,03%. Nguyên nhân chủ yếu không tiến hành hòa giải, đối thoại được là do người bị kiện vắng mặt” - ông Lê Quốc Dũng thông tin.

Bên cạnh những kết quả đã đạt thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Dù Luật HGĐTTTA có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhưng nhìn chung đây vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp mới. Vì vậy, đa phần người dân còn ít quan tâm mà vẫn lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng.

Để Luật đạt hiệu quả cao hơn trong đời sống

Thời gian tới, TAND 2 cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện tốt công tác HGĐTTTA. Để đạt hiệu quả cao hơn, tòa án 2 cấp sẽ phối hợp chặt chẽ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật HGĐTTTA.

Đồng thời, tòa án cũng đề xuất các cấp, các ngành tiếp tục có những chủ trương, chính sách và hỗ trợ kinh phí cho TAND 2 cấp bổ sung, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chí phục vụ công tác hòa giải, đối thoại; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện tốt việc phối hợp, hỗ trợ HGV trong hoạt động HGĐTTTA theo luật và chấp hành nghiêm việc tham gia HGĐTTTA theo thông báo của HGV.

Đầu tháng 6/2022, Đoàn giám sát do Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh - Nguyễn Thành Vững làm Trưởng đoàn, tiến hành giám sát công tác thi hành Luật HGĐTTTA đối với TAND tỉnh. Ông Nguyễn Thành Vững đề nghị thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của luật trên các kênh thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại và đưa luật thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội.

Mặt khác, TAND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với các TAND cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện luật để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như bảo đảm tiến độ công tác triển khai, thi hành luật được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Song song đó, TAND tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của HGV; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các HGV tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại,... ./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết