Tiếng Việt | English

25/05/2021 - 09:31

Học Bác từ những điều giản dị, đời thường

19 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Xuân Thúy - giáo viên môn Địa lý, Trường THCS Thủy Đông (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), luôn chọn cách học Bác từ những điều giản dị, đời thường nhất. Đó là luôn có tinh thần học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong công việc, đặc biệt là gần gũi, yêu thương học sinh (HS), giúp các em ngày một trưởng thành và bản lĩnh hơn.

Cô Nguyễn Thị Xuân Thúy

Cô Nguyễn Thị Xuân Thúy

Đổi mới trong cách đạy

Năm 2002, khi "chân ướt chân ráo" bước vào nghề, chưa có kinh nghiệm thực tế nhưng bằng kiến thức chuyên môn, sức trẻ, niềm đam mê, lòng nhiệt huyết, cô Thúy sẵn sàng dấn thân. Khi đó, cô Thúy được phân công về giảng dạy ở một ngôi trường THCS tại huyện Cần Đước. Nơi ấy không chỉ là “mái nhà chung” đầu tiên mà còn là nơi đặt nền móng cho những đam mê, tình yêu nghề, mến trẻ của cô Thúy được “nở hoa”. Gặp được thủ trưởng giỏi, đồng nghiệp lành nghề, nhiệt tình, thân thiện, cô Thúy được “xây những viên gạch” vững chắc đầu tiên cho sự nghiệp “lái đò” của mình.

Cô Thúy chia sẻ: “Gần 20 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu về trường công tác và trở thành cô giáo. Tôi rất biết ơn những thầy, cô đi trước luôn tận tình dìu dắt, hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong giảng dạy. Đó là cô Thanh Kiều, cô Dư Khai, cô Thủy, cô Phượng, cô Luyến,… Nhờ đó, tôi ngày càng tiến bộ, trưởng thành và hơn hết là hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với từng thế hệ HS”.

Sau 3 năm gắn bó, cô Thúy chuyển công tác về Trường THCS Thủy Đông. Rời trường cũ, hành trang cô mang theo là niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và ước mơ cống hiến sức, tài cho môi trường sư phạm mới. Khi ấy, trường mới tuy nhỏ bé, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng với đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt tình, đoàn kết, cô Thúy nhanh chóng hòa nhập và bắt nhịp với công tác giảng dạy.

Xác định phương pháp giảng dạy là yếu tố quyết định sự hứng thú trong học tập của HS, cô Thúy luôn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để chọn lựa những phương pháp dạy học hay, hiệu quả. Theo đó, cô Thúy sưu tầm những mẩu chuyện hay, ý nghĩa, gắn với kiến thức môn Địa lý để kể cho HS nghe, đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ.

“Tôi thường kể những câu chuyện sưu tầm được trước khi bắt đầu tiết dạy để tạo sự hứng thú cho các em, giúp tiết học bớt khô khan. Ngoài ra, mỗi câu chuyện đều có ý nghĩa riêng, đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ. Mỗi em sẽ đọng lại một điều gì đó tốt đẹp và rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm giúp các em trưởng thành, bản lĩnh hơn” - cô Thúy trải lòng.

Bên cạnh những câu chuyện, cô Thúy còn chú trọng cập nhật số liệu mới, tình hình thực tế của địa phương để bổ sung vào nội dung bài giảng của mình. Bởi, cô luôn quan niệm không dạy rập khuôn theo sách giáo khoa vì sách xuất bản hơn 20 năm, sẽ có một số nội dung không còn phù hợp hoặc chưa cập nhật mới.

Cô Thúy kể: “Trong mỗi bài giảng, tôi muốn đổi mới và sáng tạo để HS hiểu bài tốt hơn và yêu thích môn Địa lý hơn. Do đó, tôi thường xuyên cập nhật tin tức mới về tình hình KT-XH trong và ngoài nước để thông tin cho các em trong tiết dạy. Tôi cũng không ngừng học hỏi thông qua các tài liệu giảng dạy, học từ đồng nghiệp, các tiết sinh hoạt cụm liên trường,… từ đó đúc kết những điều hay vận dụng vào bài giảng của mình”.

Gần gũi học sinh

Không chỉ chú trọng dạy kiến thức, tạo sự hứng thú học tập cho HS, cô Thúy còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và giúp các em vượt qua những khó khăn về những vấn đề tâm lý ở tuổi dậy thì.

Với lợi thế là giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý cho HS, được tham gia lớp tập huấn về tâm lý học đường, cô Thúy có thêm những kỹ năng, kiến thức trong xử lý các tình huống liên quan đến HS. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên trong tư vấn tâm lý HS mà cô Thúy áp dụng là lắng nghe, đồng cảm với các em. Bởi, khi ấy, các em được nói ra những điều chất chứa trong lòng, được hiểu và cảm thông cho những suy nghĩ, hành động của mình. Khi được hiểu phần nào tâm lý, các em mới tiếp thu những lời khuyên, động viên.

Cô Thúy kể: “Lớp tôi chủ nhiệm năm nay có một HS rất đặc biệt. Em rất ít nói chuyện với bạn bè, thầy cô, không chịu học bài, làm bài và luôn muốn chống đối giáo viên. Vì em ấy không mở lòng nên tôi chọn cách lặng lẽ quan tâm để em cảm nhận được sự chân thành của mình. Hôm 20-11, tôi chụp hình chung với em và đăng lên mạng xã hội với niềm vui trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. Em tìm đến tôi và chủ động tâm sự. 2 cô trò đã có cuộc nói chuyện rất dài. Từ đó, em thay đổi và nỗ lực vươn lên trong học tập”.

Không chỉ giúp đỡ HS trong lớp chủ nhiệm, những HS có biểu hiện bất thường mà cô Thúy biết thì đều chủ động tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ cho các em. “Có 2 con đang học cấp 2 nên tôi dễ dàng hiểu rõ tâm lý của các em ở độ tuổi này. Các em dễ bốc đồng, dễ có những suy nghĩ và hành động sai nên rất cần người lớn nhắc nhở, giúp đỡ. Tôi muốn trở thành bạn đồng hành tin cậy giúp các em chín chắn hơn mỗi ngày. Bởi, tôi luôn xem các em như con của mình. Và niềm vui lớn nhất của tôi là được dạy học và nhìn các em khôn lớn, trưởng thành” - cô Thúy chia sẻ.

Nhờ sự tận tâm và những nỗ lực của mình trong quá trình dạy học, cô Thúy được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, cô nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, bằng khen của UBND tỉnh về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021./.

Tôi thường kể những câu chuyện sưu tầm được trước khi bắt đầu tiết dạy để tạo sự hứng thú cho các em, giúp tiết học bớt khô khan. Ngoài ra, mỗi câu chuyện đều có ý nghĩa riêng, đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ. Mỗi em sẽ đọng lại một điều gì đó tốt đẹp và rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm giúp các em trưởng thành, bản lĩnh hơn”.

Cô Nguyễn Thị Xuân Thúy

An Nhiên

Chia sẻ bài viết