Tiếng Việt | English

25/05/2021 - 09:19

Học nghề - Hướng đi phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến việc làm của người lao động, góp phần chuyển từ những công việc nặng nhọc sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Do đó, học nghề được xem là hướng đi phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Học nghề, học sinh được học 70% thực hành và 30% lý thuyết

Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thị trường lao động chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi phương thức đào tạo, đào tạo theo những ngành nghề thị trường lao động cần, nhất là phải gắn với doanh nghiệp (DN), trong đó phải biến nhà trường thành DN và biến DN thành nhà trường.

Xác định được những vấn đề trên, thời gian qua, Trường Cao đẳng Long An luôn thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với DN. Hiện nay, trường phối hợp hơn 100 DN trong và ngoài tỉnh đưa học sinh, sinh viên (HSSV) đi thực tập hoặc nhận phôi hàng về gia công tại trường. Qua đó, giúp trường giảm được chi phí đào tạo; đồng thời, giúp HSSV làm quen với môi trường làm việc trong các DN và có thêm thu nhập.

Ông Bùi Tú Định (đại diện Nhà máy Sản xuất Bao AD.STRAR Tú Phương, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cho biết: “Nhà máy luôn sẵn sàng nhận HSSV Trường Cao đẳng Long An vào thực tập. Tại đây, các em sẽ được tiếp cận các trang thiết bị hiện đại của công ty (Cty), được học hỏi về tác phong làm việc cũng như nội quy của Cty. Sau khi hoàn thành thời gian thực tập, Cty sẽ chủ động mời các em có tay nghề, kỹ thuật tốt ở lại làm việc mà không cần phải qua giai đoạn thử việc, thậm chí chưa nhận bằng tốt nghiệp, chỉ cần giấy xác nhận hoàn thành chương trình học của trường cũng có thể vào làm việc. Qua thời gian phối hợp Trường Cao đẳng Long An, nhà máy có được nhiều công nhân tay nghề, kỹ thuật cao, góp phần tích cực vào sự phát triển của Cty”.

Trường Cao đẳng Long An được trang bị nhiều máy móc hiện đại, tiên tiến

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề gắn với DN ở Trường Cao đẳng Long An là việc trường ký kết với các DN trực tiếp tham gia vào chương trình giảng dạy lý thuyết và thực hành cho HSSV; đồng thời, chấm điểm cho từng phần học thay vì chỉ đánh giá trong quá trình thực tập của HSSV tại các DN như trước đây.

Ngoài ra, hiện nay, Trường Cao đẳng Long An còn xin chủ trương thành lập mô hình Trung tâm thực nghiệm thí điểm đào tạo nghề theo hướng làm ra sản phẩm, gắn với gia công sản xuất các nghề: Cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị cơ khí, hàn. Khi mô hình này được đầu tư, đưa vào sử dụng sẽ giúp việc đào tạo của trường bám sát thực tế sản suất của các Cty, DN. Còn HSSV vừa học nghề, vừa tham gia lao động, sản xuất, nâng cao kỹ năng nghề và có thu nhập trong quá trình học tập, nhất là dễ dàng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Em Trần Văn Hòa (học sinh Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười), bộc bạch: “Học nghề mà được thực hành, tiếp cận với máy móc, trang thiết bị hiện đại nên em thích lắm. Em tin mình có thể tìm được việc làm tốt, phù hợp với ngành nghề đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp”.

Tín hiệu vui

Theo thống kê từ Trường Cao đẳng Long An, hàng năm, trên 98% HSSV sau khi tốt nghiệp có việc làm. Anh Trần Quốc Thịnh (cựu sinh viên Trường Cao đẳng Long An) chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp ngành cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Long An, tôi được Cty TNHH Chế tạo máy Lamico (huyện Thủ Thừa) nhận vào làm việc, với mức lương cơ bản 7 triệu đồng/tháng. Là công nhân có tay nghề nên tôi được Cty bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, không phải làm việc nặng nhọc”.

Hiện nay, thị trường lao động rất cần học sinh, sinh viên tốt nghiệp các ngành: Hàn, cắt gọt kim loại, điện,...

Xã hội phát triển, nhiều người dần thay đổi quan niệm “trọng thầy hơn thợ”, bởi thực tế có nhiều HSSV tốt nghiệp các trường nghề dễ dàng tìm được việc làm ổn định. Để công tác đào tạo nghề bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường Cao đẳng Long An đưa ra nhiều giải pháp vừa nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, vừa làm thay đổi nhận thức về “trọng thầy hơn thợ”.

Cụ thể, trường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về 8 lợi ích khi học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như được miễn 100% học phí; dễ tìm được việc làm với thu nhập cao và ổn định; dễ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dễ học liên thông lên cao đẳng hoặc đại học; thời gian học từ 2-3 năm; được hưởng chính sách vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội;... Ngoài ra, trường còn phối hợp các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp, từ đó các trường THCS, THPT chủ động phối hợp tốt hơn.

Cô Bùi Ngọc Điệp (giáo viên Trường THPT Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, tôi thường tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh chọn những ngành nghề mà thị trường lao động cần, không nên chọn vào đại học khi học lực, điều kiện kinh tế gia đình hạn chế. Theo đó, nhiều em mạnh dạn đăng ký học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh”.

Học sinh THCS, THPT tham quan các ngành nghề được đào tạo tại Trường Cao đẳng Long An

Một trong ba chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, Trường Cao đẳng Long An là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình đột phá này.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Minh Tâm cho biết: “Thời gian qua, trường từng bước được đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế. Mục tiêu của trường là sau khi tốt nghiệp, HSSV đáp ứng được yêu cầu của các Cty, DN đòi hỏi kỹ thuật cao, có sử dụng công nghệ 4.0, góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này được minh chứng qua chỉ tiêu tuyển sinh của trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; đồng thời, HSSV ra trường có việc làm trên 98%, với mức lương thấp nhất 7 triệu đồng/tháng”.

Nhiều HSSV tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm ổn định, qua đó, có thể khẳng định học nghề chính là hướng đi phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết