Đồng hành cùng bệnh nhân nghèo
Với 42 phòng chẩn trị miễn phí, Hội Đông y tỉnh tạo điều kiện cho những bệnh nhân nghèo có thêm niềm tin trong lúc ốm đau, bệnh tật. Có mặt tại phòng khám miễn phí của Hội Đông y xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện của người bệnh lẫn người khám. Chị Nguyễn Thị Phương Nhung (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Tôi bị bệnh u nang. Ban đầu, tôi điều trị bằng thuốc Tây, sau đó chuyển sang điều trị miễn phí tại Phòng thuốc Nam xã Tân Thành. Các lương y ở đây rất niềm nở, tận tình chăm sóc người bệnh. Từ đó, sức khỏe tôi dần hồi phục”.
Lương y Đặng Công Minh (ở xã Tân Thành) bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo
Trước đây, Lương y Đặng Công Minh (xã Tân Thành) cũng là bệnh nhân. Ông bị bệnh tiểu đường, viêm khớp,... chạy chữa bằng Tây y khắp nơi, sau đó, ông tìm đến cách chữa trị bằng Đông y. Sau khi khỏi bệnh, ông tình nguyện ở lại Hội Đông y xã Tân Thành học tập và trở thành lương y không nhận lương. Ông Minh tâm sự: “Trước đây, tôi từng là người bệnh nên hiểu được tâm lý của người bệnh. Mỗi bệnh nhân sau khi được điều trị hết bệnh như tiếp thêm sức mạnh để tôi bám nghề”.
Bên cạnh việc khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, Hội Đông y tỉnh còn thực hiện tốt Chỉ thị 03/BYT-CT của Bộ Y tế “Về việc khôi phục vườn thuốc Nam và tăng cường sử dụng các phương pháp xoa bóp, day ấn của y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe nhân dân”, từ đó, các cấp hội vận động lương y, hội viên, người dân trồng và sử dụng thuốc Nam tại gia đình và cộng đồng theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”. Chủ tịch Hội Đông y huyện Tân Thạnh - Trần Văn Ba cho biết: “Hội Đông y huyện khuyến khích người dân trồng được 5.000m2 vườn thuốc Nam với ít nhất 3 vị thuốc. Hầu hết, người dân khi mắc các bệnh như ho, cảm,... có thể tự điều trị ở nhà”.
Để có được lòng tin của người bệnh
Trước hết, đó là sự tận tâm của đội ngũ lương y, thầy thuốc hết lòng chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân; sự nhiệt tình của các hội viên, những người đi sưu tầm, thu hái dược liệu trong và ngoài tỉnh nhằm bảo đảm nguồn thuốc cung cấp cho các phòng chẩn trị,... Hội Đông y tỉnh còn tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Đông y với những đề tài chuyên sâu về chuyên môn nhằm bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ, lương y và hội viên để vận dụng vào việc khám, chữa bệnh, hướng dẫn người dân tự chăm sóc sức khỏe bằng Đông y. Cụ thể trong năm, Hội Đông y tỉnh tổ chức 7 lần sinh hoạt câu lạc bộ với 13 đề tài chuyên sâu do các lương y giỏi nghề trình bày.
Chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Đước - Trần Văn Xia khám và điều trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Một điều quan trọng tạo nên lòng tin của người bệnh chính là y đức. Chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Đước - Trần Văn Xia chia sẻ: “Lương y phải bốc thuốc bằng cả y thuật và y đức. Mỗi lương y không chỉ dành thời gian nghiên cứu, học hỏi mà còn xem việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo là việc làm thường xuyên của mình”.
Không phải là người trực tiếp kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh nhưng anh Võ Ngọc Hân gắn bó với những chuyến đi tìm thuốc Nam trong và ngoài tỉnh nhằm cung cấp đủ nguồn dược liệu cho phòng thuốc Nam miễn phí ở xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc. Anh Hân cho biết: “Nguồn thuốc Nam ngày càng khan hiếm, nhất là các loại thuốc ở vùng đồi núi, do đó, chúng tôi phải đi nhiều ngày, chi phí chủ yếu là tự đóng góp hoặc do mạnh thường quân hỗ trợ. Khi tham gia các chuyến đi tìm thuốc, tôi cảm thấy rất vui vì mình làm được những việc ý nghĩa”.
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp chia sẻ: “Hội Đông y tỉnh nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ đó tạo điều kiện về cơ sở vật chất, biên chế và một phần kinh phí cho Hội phát triển. Năm 2017, hội tiếp tục phối hợp Sở Y tế tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Đông y - thuốc Nam - châm cứu cho hội viên; xây dựng 5 vườn thuốc mẫu; khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến cơ sở đạt 37%,...”.
Các tổ sưu tầm dược liệu đi sưu tầm thuốc Nam ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh
Hoạt động của hội góp phần cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe toàn dân. Qua đó, Hội Đông y tỉnh trở thành điểm tựa cho bệnh nhân nghèo và góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật./.
Hiện nay, tổng số cơ sở hành nghề Đông y trong tỉnh là 293 cơ sở. Trong đó, phòng chẩn trị tỉnh và huyện, thị xã, thành phố là 13; phòng chẩn trị tư nhân 103; phòng chẩn trị miễn phí 42; đại lý thuốc Đông y và dịch vụ Đông y 15; tổ chẩn trị trong trạm y tế 120. Năm 2016, các phòng chẩn trị khám, chữa bệnh cho 1.201.246 lượt người; thuốc thang trên 4.598.067 thang thuốc Bắc và thuốc Nam; điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc 501.812. Trong đó, khám bệnh miễn phí 771.089 lượt người, cấp phát 3.357.273 thang thuốc Nam, thuốc Bắc; điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc 396.980 lượt người và 16.329kg thuốc thành phẩm. Tổng giá trị khám, chữa bệnh, cấp thuốc thang, thành phẩm, điều trị miễn phí gần 30 tỉ đồng. |
Nhã Lam