Tiếng Việt | English

16/11/2020 - 19:42

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 gửi thông điệp tới toàn thế giới

Đại sứ Thái Lan tại ASEAN khẳng định đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã không thể làm chệch hướng các cam kết cũng như không thể trì hoãn các kế hoạch của ASEAN.


Đại sứ Thái Lan tại ASEAN Phasporn Sangasubana. (Nguồn: Twitter)

Đại sứ Thái Lan tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Phasporn Sangasubana khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã gửi thông điệp quan trọng tới toàn thế giới và khu vực rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã không thể làm chệch hướng các cam kết cũng như không thể trì hoãn các kế hoạch của ASEAN.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Phasporn cho rằng trên thực tế, đại dịch đã thúc đẩy ASEAN làm việc chăm chỉ hơn và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo đưa khu vực vượt qua thời điểm khó khăn này và vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhà ngoại giao này cho biết tại các cuộc họp giữa các quốc gia thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác y tế cộng đồng, đặc biệt là về an ninh vắcxin, và sự cần thiết thúc đẩy ổn định khu vực nhằm tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế.

Thủ tướng Prayut cũng nhắc lại cam kết của Thái Lan trong việc tăng cường hợp tác với các nước thành viên ASEAN và các đối tác liên quan nhằm tăng cường an ninh con người, trong đó có chăm sóc sức khỏe toàn dân, phát triển nguồn nhân lực, và phát triển bền vững nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về những thành tựu của ASEAN trong năm nay, bà Phasporn cho biết để ứng phó với sự lây lan của COVID-19, giảm thiểu các tác động kinh tế của đại dịch và tái thiết tốt hơn, ASEAN đã bắt tay hợp tác gần như ngay lập tức sau khi phát hiện trường hợp lây nhiễm đầu tiên.

Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về COVID-19 vào ngày 14/4, ASEAN đã thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực.

ASEAN đã thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch triển khai, và gần đây nhất là Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN đã thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi và hoàn tất Khung chiến lược ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN.

Tuy nhiên, bà Phasporn cho hay các hoạt động chính của ASEAN trong năm nay không giới hạn ở việc chống COVID-19.

Ngày 15/11, ASEAN đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và việc sớm triển khai RCEP có thể giúp gia tăng giá trị chiến lược cho ASEAN trong thương mại và đầu tư toàn cầu.

Đại sứ Phasporn đánh giá rằng việc ký kết RCEP sẽ giúp giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các nền kinh tế ASEAN và đẩy nhanh quá trình phục hồi khu vực.

Thỏa thuận này cũng cho thấy quyết tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và cam kết đối với hệ thống thương mại đa phương tự do và cởi mở.

Nhà ngoại giao Thái Lan kỳ vọng rằng RCEP sẽ tạo động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, khôi phục niềm tin kinh doanh rất cần thiết và chứng minh với thế giới rằng thị trường khu vực đã sẵn sàng phục hồi.

Đánh giá về vai trò của Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Đại sứ Phasporn cho rằng Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với các tình huống mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bằng cách triệu tập các cuộc họp trực tuyến thay vì trực tiếp trong suốt cả năm qua.

Theo bà Phasporn, điều này không chỉ đảm bảo rằng các nhiệm vụ quan trọng có thể đạt được theo kế hoạch mà còn giúp ASEAN tiếp tục cam kết với chính mình và với các đối tác.

Đại sứ Phasporn nhắc lại rằng tiếp theo sáng kiến thành công trong việc triệu tập Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về COVID-19, Chủ tịch ASEAN Việt Nam cũng đã tổ chức một số hội nghị cấp cao với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia và Anh nhằm trao đổi thông tin và thúc đẩy hợp tác giải quyết đại dịch.

Về những thách thức và cơ hội của ASEAN trong thời gian tới, Đại sứ Phasporn cho rằng tình hình kinh tế chính trị toàn cầu hiện nay đòi hỏi một loạt các quyết định chính sách phức tạp từ các chính phủ trên thế giới.

Thế giới và khu vực đang chứng kiến những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các cường quốc, trong đó một phần trở nên trầm trọng hơn do đại dịch.

Theo bà Phasporn, với việc nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ sụt giảm 3,8% trong năm nay, điều quan trọng là cần duy trì ổn định khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Đại sứ Phasporn cho rằng trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, tinh thần “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là cần thiết hơn bao giờ hết. Theo đó, ASEAN cần phải “gắn kết” và giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực, đồng thời duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực với trọng tâm là “tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.”

Cuối cùng, nhà ngoại giao Thái Lan cho rằng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) cần được sử dụng như một công cụ để khuyến khích các cường quốc tương tác một cách xây dựng với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của khu vực./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết