Sáng 26/11/2018, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra và báo cáo tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 9. Theo đó, bão không gây ra thiệt hại lớn về nhà cửa, sản xuất, sức khỏe, tính mạng người dân nhưng đã gây ngập, ngã đổ một số diện tích lúa.
Lúa bị ngã do ảnh hưởng của bão. Ảnh: Hải Phong
“Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh thì TP.Tân An, thị xã Kiến Tường và các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Châu Thành, Cần Giuộc không bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão” - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi - Võ Kim Thuần cho biết. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu từ các địa phương, đến chiều ngày 26/11, một số huyện bị thiệt hại, nhất là đối với cây lúa. Cụ thể, do ảnh hưởng của bão làm hơn 2.300ha lúa Đông Xuân và gần 15ha rau bị ngã, ngập.
Tại huyện Tân Trụ, Chủ tịch UBND huyện - Trương Thanh Liêm cho biết “Ngay sau bão, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão, từ đó báo cáo về trên và xem xét, hỗ trợ”. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn huyện Tân Trụ, ảnh hưởng của bão dẫn đến mưa lớn kéo dài đã làm 820ha lúa ở địa phương bị ngã (thiệt hại từ 5% đến 70%).
Trong khi đó, tại huyện Bến Lức, do ảnh hưởng của bão, có 1.000ha lúa ở các xã: Thanh Phú, Nhựt Chánh, An Thạnh, Phước Lợi bị ngập và đổ ngã (trong đó có 300ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngã, giảm năng suất 10%). Ngoài ra, do mưa lớn làm ngập cục bộ hoa màu, cây ăn trái các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, An Thạnh, Bình Đức, Lương Bình; một số diện tích trồng đu đủ, cây bị ngã đổ. Các xã đang thống kê lại diện tích hoa màu và cây ăn trái bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 9. Ở huyện cũng có nơi cây xanh ngã đổ đè lên đường dây điện, tuy nhiên, tình trạng này được kịp thời khắc phục.
Máy bơm dầu bơm nước ngập ra ngoài
Tại huyện Cần Đước, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện - Nguyễn Hồng Chương cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra gió và mưa lớn, toàn huyện có 324ha lúa và gần 15ha rau bị ngập. Còn tại huyện Đức Huệ, có 200ha lúa Đông Xuân ở xã Mỹ Quý Tây bị ngập nước.
Đối với huyện Châu Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Võ Văn Vấn thông tin: “Ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, kéo dài nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể, diện tích sản xuất thanh long không bị ảnh hưởng nhiều”. Theo ông Vấn, hệ thống đê bao ở huyện vẫn chắc chắn, không xảy ra sự cố, trong khi đó, hệ thống cống vẫn hoạt động tốt để vận hành xả lượng nước ứ đọng, ngập bên trong ra ngoài”.
Qua ghi nhận của phóng viên, ở những ruộng lúa, hoa màu bị ngập đã và đang được người dân, chính quyền tích cực bơm nước ra ngoài. Sáng ngày 26/11, trên cánh đồng thuộc xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, bà Mai Thị Mười đang tích cực bơm nước thoát ra ngoài cho 0,6ha lúa của mình. Dù đám ruộng bị đổ ngã gần như hoàn toàn nhưng bà Mười cho biết: “Chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch nên khả năng thiệt hại cũng không nhiều”. Cách đó không xa, tại xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, anh Lê Hoàng Minh đang gia cố bờ bao, bơm nước thoát cho 0,2ha khổ qua mới được lên liếp gieo trồng hơn 10 ngày.
Nước ngập úng tại một thửa đất trồng khổ qua của người dân
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi - Võ Kim Thuần, công tác ứng phó với bão số 9 được các địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Ở 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, trong những ngày phòng, chống, ứng phó với bão, địa phương còn vận động một số người dân sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhà yếu, ở ngoài vùng trũng, thấp đến những nhà người thân có nhà vững chắc để tá túc,... Những ngày qua, các công trình thủy lợi từ trạm bơm, cống đều hoạt động tốt, góp phần điều tiết, tiêu úng cho sản xuất./.
Lê Đức