Tiếng Việt | English

21/09/2023 - 09:17

Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng tầm nông sản địa phương. Xác định được vấn đề này, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chú trọng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thay đổi tập quán sản xuất

Ông Nguyễn Văn Phần (thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) tham gia mô hình Trồng lúa theo chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia lớp tập huấn trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ông xây dựng kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ghi nhật ký đồng ruộng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc BVTV ngoài danh mục.

Đồng thời, ông còn được các ngành chức năng hỗ trợ thùng chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Thông qua những việc làm này giúp ông thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Kết quả, gia đình ông giảm chi phí sản xuất từ 1-1,5 triệu đồng/ha, năng suất bằng hoặc cao hơn ngoài mô hình.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (huyện Tân Thạnh) tham gia mô hình Trồng lúa theo chuẩn VietGAP

Ông Phần chia sẻ: “Đây là vụ lúa đầu tiên gia đình tôi sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 4ha. Hiện gia đình đã thu hoạch 2ha với năng suất 6 tấn/ha, bán với giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha. Tham gia mô hình Trồng lúa theo chuẩn VietGAP, tôi nhận thấy chi phí sản xuất, công lao động giảm nhiều, nhất là nông dân biết được thời điểm nào sử dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng hiệu quả, giúp cây chắc khỏe ngay từ đầu vụ mà không tồn dư thuốc BVTV sau khi thu hoạch”.

Là kỹ sư nông nghiệp nên anh Dương Hoài Ân (Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của nông sản sạch đối với sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, anh mạnh dạn vận động thành viên HTX trồng lúa theo quy trình VietGAP với diện tích 30ha, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên 21ha. HTX ký cam kết với thành viên bao lợi nhuận vụ Đông Xuân 30 triệu đồng/ha, vụ Hè Thu 28 triệu đồng/ha và vụ Thu Đông 25 triệu đồng/ha.

Anh Dương Hoài Ân chia sẻ: “Ban đầu khi mới vận động thành viên HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ thì ai cũng ngại vì sợ ảnh hưởng đến thu nhập. Tuy nhiên, sau khi tham gia, nông dân phấn khởi vì không lo về đầu ra hay tình trạng thương lái ép giá. Nông dân chỉ cần thực hiện đúng quy trình sản xuất của HTX đưa ra, không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học; thực hiện theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng”; ghi nhật ký sản xuất đầy đủ;....”.

An tâm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Chanh và sầu riêng đang là loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Để 2 loại cây trồng này có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính thì đòi hỏi nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã số vùng trồng. Điều này giúp nhà vườn tránh tình trạng "được mùa, mất giá" hoặc ngược lại, nhất là góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Thành (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) - Trần Đăng Khoa cho biết: “Được ngành Nông nghiệp tư vấn về hiệu quả, lợi ích của việc sản xuất theo quy trình VietGAP cùng với những chính sách hỗ trợ, HTX mạnh dạn đăng ký tham gia sản xuất 32ha chanh và 14ha sầu riêng.

Thành viên HTX được tập huấn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, HTX được hỗ trợ làm các hồ sơ, thủ tục để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp HTX hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để được Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Khi có mã số vùng trồng, nông sản của HTX sẽ dần khẳng định được thương hiệu, không lo về đầu ra”.

Sản xuất theo quy trình VietGAP giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác và tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng

Mục tiêu của HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tân Thịnh (ấp Bùi Mới, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) là tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Do đó, HTX chọn những thành viên tâm huyết, trách nhiệm tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP. Hiện nay, HTX có 26ha lúa sản xuất theo quy trình VietGAP với 5 hộ nông dân tham gia. Để bảo đảm đúng quy trình sản xuất, HTX cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV cho thành viên. Khi sử dụng thuốc BVTV, thành viên HTX luôn tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": Đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc; đúng cách.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, không sử dụng các hóa chất hay chất độc hại với cơ thể con người và cả môi trường. Đồng thời, các sản phẩm được sản xuất và thu hoạch đúng quy trình, có thông tin truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Nông sản được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP có thể dễ dàng lưu thông trên thị trường trong nước cũng như một số nước nhập khẩu. Điều này làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với nông sản của người sản xuất; đồng thời, giúp người tiêu dùng được bảo vệ an toàn hơn về sức khỏe.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, các HTX cần mạnh dạn vận động thành viên tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Thời gian đầu, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng chỉ cần làm được một vụ sẽ thích nghi ngay”.

Tổ chức sản xuất và hình thành các vùng sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đối với các loại cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng từng bước tạo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản được xem là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng sự thay đổi nhận thức của nông dân, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ tiếp tục được nâng lên theo cấp số nhân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích