Năm 2023, sản lượng lúa của tỉnh ước đạt trên 3 triệu tấn
Thay đổi tư duy sản xuất
Nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá vật tư nông nghiệp tăng cao; diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm; sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu;... là những khó khăn ngành Nông nghiệp tỉnh phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cùng nỗ lực của nông dân, nhiều chỉ tiêu của ngành ước đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn; tham mưu ban hành nhiều NQ, quyết định quan trọng về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh, kịp thời tạo “đòn bẩy” thúc đẩy tăng trưởng ngành. Điều quan trọng hơn cả là tư duy sản xuất của nông dân đã có sự thay đổi, từ chỗ tập trung vào sản lượng chuyển sang quan tâm tới chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn, gắn kết với thị trường tiêu thụ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá. để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ NQ đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo điều kiện, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 47.174,55ha lúa ƯDCNC, 1.948ha rau ƯDCNC, 2.946ha chanh ƯDCNC, 4.945,43ha thanh long ƯDCNC, 45,1ha tôm ƯDCNC và hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho 6.326 con bò cái sinh sản.
Sử dụng máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc, bón phân cho lúa
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi khoảng 4.937ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm (khoảng 2.393ha) và cây lâu năm (khoảng 2.544ha). Các mô hình chuyển đổi này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 288 lượt mã số vùng trồng (thanh long, chanh, chuối, dưa hấu,...) với tổng diện tích hơn 13.734ha, thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và 163 mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Đây được xem là “hộ chiếu” để nông sản của tỉnh tiếp cận và chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới, hướng đến những liên kết lâu dài, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của tỉnh”.
Tổng sản lượng lúa bình quân hàng năm của tỉnh đạt trên 2,8 triệu tấn. Riêng năm 2023, sản lượng lúa ước đạt trên 3 triệu tấn, vượt kế hoạch hơn 200.000 tấn và cao nhất từ trước đến nay.
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu
Nếu như chương trình XDNTM giai đoạn 2010-2020 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn toàn tỉnh khi kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp thì những năm gần đây, chương trình tập trung vào việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nông thôn một cách bền vững.
Kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Đến nay, toàn tỉnh có 121/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75,15% số xã toàn tỉnh, đạt 85,2% kế hoạch; trong đó, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 24,79% số xã NTM toàn tỉnh, đạt 52,63% kế hoạch. Toàn tỉnh đã có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, đạt 40% kế hoạch. Ngoài ra, huyện Cần Đước cơ bản đủ điều kiện để công nhận huyện đạt chuẩn NTM; huyện Châu Thành cơ bản đủ điều kiện để công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, ngành Nông nghiệp tỉnh đang lập hồ sơ, thủ tục để trình Trung ương xem xét, công nhận.
Kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 36 sản phẩm đạt 4 sao, 88 sản phẩm đạt 3 sao. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn.
Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết
Việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã có kết quả bước đầu song chưa rõ nét; tình hình tiêu thụ nông sản chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao; dịch bệnh trên vật nuôi còn xảy ra nhỏ, lẻ, tuy đã kịp thời khống chế nhưng cũng gây ảnh hưởng đến việc tái đàn và phát triển đàn; giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm lợi nhuận của người dân; năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã còn thấp, chưa thật sự là “cầu nối” vững chắc liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản;... Do đó, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu NQ trong thời gian tới đòi hỏi ngành Nông nghiệp tỉnh phải có những giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để bảo đảm chất lượng, tiến độ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung tối đa cho công tác lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, ngành tập trung thực hiện chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy trình GAP để đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất; phấn đấu sản lượng lúa giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 2,8 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 75%.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Song song đó, ngành tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ sang phát triển chăn nuôi trang trại; tổ chức triển khai phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tập trung phát triển tái đàn chăn nuôi bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tập trung triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 88% xã đạt chuẩn NTM; 10/15 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để “chắp cánh” cho nông sản vươn xa, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết./.
Bùi Tùng