Tiếng Việt | English

24/11/2023 - 09:46

Sản xuất hiệu quả nhờ các lớp dạy nghề nông thôn

Thời gian qua, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An được tổ chức thường xuyên. Các lớp dạy nghề đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu học nghề của nhiều lao động nông thôn, góp phần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.

Bà Lê Thị Bạch Phượng (ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) có nhiều kinh nghiệm trồng chanh nhờ tham gia các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn

Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa, huyện Bến Lức - Nguyễn Anh Thư cho biết: Người dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề trồng chanh, mai vàng, ổi, làm công nhân và một số khác kinh doanh thương mại - dịch vụ. Trên địa bàn xã, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là các lớp về nông nghiệp được tổ chức thường xuyên.

Ngoài học lý thuyết, thực hành, các lớp dạy nghề còn cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Việc thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.

Lương Hòa là một trong những xã có diện tích trồng chanh không hạt lớn của huyện Bến Lức. Cũng nhờ cây chanh, người dân có kinh tế ngày càng ổn định. Bà Lê Thị Bạch Phượng (ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) đang trồng 1,6ha chanh. Trước đây, diện tích đất này, bà trồng mía nhưng thu nhập không cao. Thực hiện chuyển đổi cây trồng, bà Phượng cải tạo đất để trồng 1ha chanh đầu tiên.

Sau thời gian chăm bón, cây chanh phát triển tốt và bắt đầu cho trái, bà Phượng tiếp tục cải tạo thêm 0,6ha đất còn lại để trồng chanh. Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng chanh đi trước, bà Phượng còn cùng chồng tham gia lớp học nghề trồng chanh do xã tổ chức.

Theo bà Phượng, ngoài kinh nghiệm thực tế, tại các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, cán bộ kỹ thuật cung cấp nhiều kiến thức cũng như các bước trồng, chăm sóc cây chanh không hạt, từ giai đoạn chuẩn bị đất trồng, chọn giống, trồng cây, chăm sóc đến tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh gây hại và thu hoạch. Cán bộ kỹ thuật cũng giải đáp những khó khăn, thắc mắc để nông dân mạnh dạn áp dụng vào trồng chanh.

Hiện nay, vườn chanh không hạt của bà Phượng cho trái đều đặn và định kỳ từ 20-30 ngày sẽ thu hoạch 1 lần. Bình quân 1ha đất trồng chanh, bà Phượng thu hoạch khoảng 25 tấn trái/3 tháng. Sau khi trừ chi phí, bà Phượng thu lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng/năm/ha chanh. Cũng theo bà Phượng, trồng chanh tuy dễ mà khó nên kiến thức từ các lớp dạy nghề trồng chanh rất bổ ích. Bởi nếu bón phân, xịt thuốc không đúng thời điểm, hoa chanh hoặc chanh non sẽ rụng.

Vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn xã Lương Hòa, huyện Bến Lức chuyển đổi trồng cây mai vàng. Đây là cây trồng không mới, mang lại thu nhập khá cho người trồng, điển hình như anh Lê Thanh Xuân (ấp 6B). Anh Xuân vừa trồng mai trên đất nhà, vừa thuê đất của họ hàng để trồng thêm.

Anh Xuân thường chọn mua cây mai tại các cơ sở ươm, đem về trồng lại trong vườn hoặc mua từ các vườn mai vài năm tuổi để chăm sóc lại. Hiện 1 tuần, anh bán từ 100-200 gốc mai cho các khách hàng đến từ TP.Hà Nội, tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Cà Mau,... Giá bán mai tùy từng độ tuổi hoặc chất lượng bông mai. Anh Xuân trồng mai đã lâu nhưng qua các lớp dạy nghề trồng mai do Hội Nông dân xã Lương Hòa tổ chức, anh có thêm kinh nghiệm để trồng mai ngày càng hiệu quả.

Vườn mai nhà anh Lê Thanh Xuân (ấp 6B, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) chuẩn bị đón vụ mùa mới

Theo kinh nghiệm và kiến thức từ các lớp dạy nghề trồng mai mà anh Xuân tham gia, cây mai không ưa đất ngập úng, nhiễm phèn mà thích hợp với đất tơi xốp, giữ được độ ẩm thì mới phát triển tốt. Khoảng cách trồng mai cần rộng để cây hấp thụ ánh nắng trực tiếp, thông thoáng và ít nhiễm sâu, bệnh.

Trong quá trình trồng, tạo dáng cho cây mai là khâu quan trọng, bởi cây bán được giá tùy ở dáng. Vì vậy, khoảng 2 tháng, anh Xuân cho nhân công cắt tỉa cành 1 lần để bỏ những cành yếu, bị sâu, bệnh hay những cành mọc dày đặc trong tán. Đặc biệt, thời điểm này, vườn mai nhà anh Xuân bắt đầu chuẩn bị vụ tết. Nhân công tất bật tỉa cành, phun thuốc diệt sâu, bệnh, bón phân để cây mai khỏe và cho hoa đúng vụ tết.

Theo bà Nguyễn Anh Thư, thời gian tới, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã cũng như các đoàn thể khác khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân để phối hợp các đơn vị tổ chức lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho lao động nông thôn cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm.

Có thể khẳng định, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu học nghề của nhiều lao động, góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với xã nông thôn mới./

Mai Hương

Chia sẻ bài viết