Những thế mạnh vượt trội
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, Long An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng; là cửa ngõ giao thoa giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Vùng Đông Nam bộ, liền kề TP.HCM, có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia.
Chính những lợi thế địa kinh tế đưa Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng ĐBSCL, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Đại biểu tham gia Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử do Sở Công Thương tổ chức trong tháng 11/2023
Đặc biệt, thời gian qua, chính quyền tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hình thành các nút giao đấu nối hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) với các cảng. Hiện các K,CCN trên địa bàn tỉnh đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông, thu hút nhiều DN đầu tư hệ thống kho hiện đại. Các dịch vụ giao nhận, dịch vụ liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng, TMĐT trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển.
Long An hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics, thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải. Trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Long An trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam bộ.
Theo đó, tỉnh quy hoạch 2 cảng cạn gồm Cảng cạn Bến Lức, thuộc Bến Lức có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; Cảng cạn Tân Lập thuộc huyện Thủ Thừa, có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm. Đồng thời, tỉnh hình thành 10 trung tâm logistics góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ và Vùng ĐBSCL tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa.
Chuyển đổi số trong logistics, hướng đến phát triển bền vững
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 KCN, 21 CCN đang hoạt động và gần 15.000ha đất công nghiệp có thể thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh. Long An là địa phương đứng đầu Vùng ĐBSCL và đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố về xuất, nhập khẩu. Với nhiều dư địa cho phát triển, các K,CCN trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển, kho bãi, cho thấy tiềm năng, vai trò quan trọng của ngành logistics trong hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Tuy hoạt động logistics và TMĐT của tỉnh thời gian qua có sự phát triển nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, hình thức dịch vụ logistics còn đơn giản, chưa đáp ứng hết nhu cầu phát triển. Vì vậy, Hội nghị kết nối giao thương DN logistics trong lĩnh vực TMĐT tập trung kết nối các DN nhằm gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho tỉnh, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng DN khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Kỳ vọng các giải pháp này sẽ là lựa chọn tối ưu để DN lựa chọn sử dụng, đồng hành với tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu định hướng đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối với các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL với TP.HCM, Vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển, kho bãi
Long An là một trong những địa phương trồng nhiều loại trái cây phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Theo Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả Cass (KCN Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) - Quách Thị Lệ Chân, vấn đề thách thức trong logistics cho nông sản tươi tại Việt Nam cũng như Long An là chưa kết nối hết trong các khâu mua bán hàng, khó tuân thủ trong thực hành sau thu hoạch; công nghệ sau thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu, không theo kịp nhu cầu thị trường; thiếu các trung tâm logistics chuyên cho nông sản tươi ứng dụng công nghệ hiện đại. Nắm bắt nhu cầu này, công ty đã xây dựng hệ thống kho bảo quản nông sản tươi dùng công nghệ điều chỉnh khí hoàn toàn tự động (Cass). Với cách bảo quản này góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá” và phù hợp xu hướng kinh doanh TMĐT.
Tại Hội nghị kết nối giao thương DN logistics vừa qua, nhiều đại biểu là chủ DN kinh doanh logistics trình bày tham luận với các nội dung xoay quanh logistics trong TMĐT như chuyển đổi số trong logistics hướng đến phát triển bền vững, chuyển đổi số và kho lạnh, giải pháp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế, giải pháp công nghệ và nền tảng logistics toàn diện,...
Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - Trương Tấn Lộc cho rằng, chuyển đổi số và tự động hóa đang là xu hướng thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững không chỉ ngành logistics mà còn của nền kinh tế. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty định hướng phát triển logistics bền vững thông qua chuyển đổi số với nhiều giải pháp đồng hành cùng khách hàng và hướng đến phát triển bền vững cùng ngành logistics và vận tải biển.
Ông Trương Tấn Lộc cũng chia sẻ, trước những yêu cầu phát triển xanh, bền vững, đặc biệt trong ngành logistics, Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển logistics; tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics; tháo gỡ các nút thắt về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi; đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho DN.
Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn cho rằng, những ý kiến từ các chủ DN kinh doanh ngành logistics sẽ giúp chính quyền tỉnh có định hướng tốt, các DN sẽ cùng hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hóa ngành logistics, kết nối sử dụng dịch vụ của nhau, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất khẩu. Chính quyền tỉnh sẽ luôn đồng hành với DN để cùng nhau phát triển bền vững./.
Mai Hương