Tiếng Việt | English

06/09/2023 - 09:03

Từng bước xây dựng Long An thành trung tâm logistics

Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những nỗ lực trong đầu tư hệ thống hạ tầng, Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics

Long An có vị trí địa lý chiến lược, giao thoa giữa Vùng ĐBSCL và Vùng Đông Nam bộ, giáp ranh nước bạn Campuchia. Lợi thế địa kinh tế đưa Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng ĐBSCL, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Tỉnh ưu tiên phát triển, kết nối hệ thống giao thông để thúc đẩy vận chuyển, giao thương hàng hóa

Thời gian qua, tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Công nghiệp tỉnh đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông. Quy hoạch cảng biển của tỉnh có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn, trong tương lai có khả năng tiếp nhận tàu trên 70.000 tấn, thậm chí là 100.000 tấn. Nhà xưởng xây sẵn là một thế mạnh của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Dịch vụ logistics được quan tâm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, các siêu thị, cơ sở phân phối, chợ, cửa hàng tiện ích,... ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của người dân. Các cửa khẩu trên địa bàn thuận lợi để phát triển dịch vụ, thương mại đường biển.

Mặt khác, Long An còn tăng thêm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi trên địa bàn tỉnh có Cảng Quốc tế Long An - một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Nam, đáp ứng tốt nhu cầu xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực.

Cảng Quốc tế Long An nằm trong quy hoạch tổng thể gần 1.935ha của 4 dự án trên địa bàn huyện Cần Giuộc, gồm: Khu công nghiệp 396ha; khu dịch vụ - công nghiệp 239ha, khu đô thị 1.145ha và cảng biển 147ha. Đây là sự kết hợp hài hòa, tạo thành khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng với các công trình phụ trợ, các tiện ích không ngừng được đầu tư mở rộng, mang lại giá trị vượt trội cho toàn khu.

Sự phát triển của Cảng Quốc tế Long An không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, gián tiếp làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu ngày càng tăng của tỉnh Long An nói riêng và Vùng ĐBSCL nói chung.

Cảng Quốc tế Long An xây dựng mục tiêu cung cấp đầy đủ nhất dịch vụ cảng biển, logistics hiện đại, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ gia tăng (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh và Đoàn của chính quyền bang California chụp ảnh lưu niệm nhân chuyến làm việc tại Cảng Quốc tế Long An)

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dongtam Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh - Võ Quốc Thắng, Cảng Quốc tế Long An xây dựng mục tiêu cung cấp đầy đủ nhất dịch vụ cảng biển, logistics hiện đại, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ gia tăng.

Cảng được đầu tư những trang thiết bị hiện đại nhất, được số hóa hoàn toàn trong hoạt động, đây là điều kiện thuận lợi để giảm chi phí logistics.

Chúng tôi sẽ không ngừng đầu tư mở rộng, đáp ứng yêu cầu khai thác an toàn, hiệu quả đối với đa dạng chủng loại hàng hóa, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Cụm dự án cảng còn mang lại những lợi ích nhất định cho tỉnh Long An nói riêng, Vùng ĐBSCL nói chung từ thu hút đầu tư, tối ưu chi phí logistics, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong khu vực, góp phần tạo lập các đô thị mới, nâng cao đời sống người dân, giữ chân người lao động tại địa phương và nhiều ý nghĩa về mặt xã hội.

Theo đại diện Công ty (Cty) TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, Cty hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu với sản phẩm chủ lực là hạt điều. Hiện nay, sản phẩm của Cty có mặt tại hầu hết quốc gia trên thế giới.

Long An hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics, thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải. Tuy nhiên, hoạt động logistics, các dịch vụ liên quan trên địa bàn tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, chưa phát huy hết thế mạnh. Cty đề xuất, địa phương cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, hình thành chuỗi cung ứng, liên kết giao thương, có chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư vào ngành logistics,...

Xây dựng Long An thành trung tâm logistics

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã triển khai, thực hiện đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm với nhiều danh mục dự án giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước. Các tuyến đường này kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, Cảng Quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP.HCM.

Điểm nhấn là công trình Đường tỉnh 830 nối liền 4 huyện trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với việc hoàn thành nhiều công trình giao thông mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Long An trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam bộ.

Trong đó, tỉnh phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng có tính lan tỏa, có tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất lưu thông; đầu tư phát triển các chợ truyền thống; đẩy mạnh thương mại điện tử; tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng phát triển thương mại biên giới.

Kho vận là thế mạnh logistics trên địa bàn tỉnh

Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc Vùng ĐBSCL với TP.HCM, Vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia; đầu mối xuất khẩu nông sản của Vùng ĐBSCL.

Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, để bảo đảm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới, Long An từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông - vận tải và logistics phục vụ phát triển KT-XH. Tỉnh hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với cấp tỉnh, nhằm tăng cường kết nối giao thông liên vùng; bố trí thêm lối ra, vào với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa.

Tỉnh cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường hiện hữu và xây mới một số tuyến đường, ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến trọng tâm, động lực phát triển: Trục động lực Đức Hòa, đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu.

Tỉnh nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, hình thành kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý, hoàn chỉnh; nâng cấp và xây dựng mới hệ thống bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường hệ thống bãi đậu xe ngầm (nếu có) tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn, bố trí các bãi đậu xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác bảo đảm kết nối thuận lợi và an toàn; tiếp tục nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải: Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa; tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh;...

Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch 2 cảng cạn: Cảng cạn Bến Lức thuộc huyện Bến Lức, có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; cảng cạn Tân Lập thuộc huyện Thủ Thừa, có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm. Tỉnh hình thành 10 trung tâm logistics nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ và Vùng ĐBSCL tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa.

Hy vọng, với những kế hoạch đề ra cùng sự nỗ lực trong đầu tư cho hệ thống hạ tầng sẽ góp phần đưa Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng ĐBSCL, trung tâm và đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích