Tiếng Việt | English

19/09/2017 - 20:37

Kết quả bước đầu của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngày 19/9, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến “Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Phạm Văn Rạnh chủ trì hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp – Phạm Văn Rạnh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các thành viên BCĐ đánh giá Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đạt kết quả khả quan; xác định được vùng đề án để tập trung triển khai, đầu tư.

Nhiều mô hình sản xuất rau, thanh long mang lại hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa và sự ủng hộ của người dân; nhiều hộ dân sau khi tham quan, học tập mô hình, tự đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm,…

Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại,... được tăng cường, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm sạch cho các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh được thực hiện, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Các địa phương cơ bản hoàn thành công tác tổ chức, triển khai, thực hiện chương trình: Thành lập được BCĐ, có quy chế hoạt động của BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ,... Các xã trong vùng đề án ban hành Nghị quyết chuyên đề, thành lập BCĐ cấp xã, Tổ giúp việc, kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án,...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho rằng, tuy bước đầu thực hiện có hiệu quả nhưng Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu, nhất là sự phối kết hợp của các ngành, địa phương, hội, đoàn thể,... trong việc thông tin tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Đảng đến người dân. Một số thành viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa tích cực tham gia thực hiện mô hình điểm.

Ông đề nghị, thời gian tới, các địa phương, sở, ngành,… cần tập trung rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình; tiếp tục chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện đề án trong nhiều lĩnh vực như: Đầu tư kết cấu hạ tầng điện, thủy lợi, giao thông,... phục vụ sản xuất./.

Huỳnh Phong 

Chia sẻ bài viết