Tiếng Việt | English

30/08/2017 - 19:46

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Khó khăn nhất là đầu ra của nông sản

Tiếp tục khảo sát việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), ngày 30/8/2017, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang làm Trưởng đoàn có cuộc khảo sát tại 2 huyện: Cần Đước và Châu Thành.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang (người đứng bìa trái, hàng đầu) khảo sát thực tế khu vực sản xuất rau tại xã Long Khê, huyện Cần Đước

Trước khi làm việc, đoàn khảo sát thực tế tại một số khu vực sản xuất rau màu của xã Long Khê và Phước Vân, huyện Cần Đước; khu vực trồng thanh long xã Long Trì, huyện Châu Thành, gặp gỡ các hộ dân trong vùng đề án để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cần Đước có kế hoạch đến năm 2020, toàn huyện phát triển rau màu ƯDCNC với diện tích 700ha, tập trung ở các xã vùng thượng: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân; trong đó, rau ăn lá chiếm 80% diện tích, năng suất bình quân khoảng 18 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 100 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ tại TP.HCM và các vùng lân cận.

Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là vốn để đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC khá cao, khả năng của người dân còn hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Thiếu quỹ đất công, giá đất tăng mạnh nên hạn chế việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Đầu ra sản phẩm bấp bênh, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Kết cấu hạ tầng nông thôn: Điện, giao thông,... được đầu tư nhưng chưa đồng bộ.

Châu Thành có kế hoạch phát triển 2.000ha thanh long ƯDCNC đến năm 2020 ở 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Khó khăn của địa phương trong quá trình thực hiện là công tác tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể đến người dân còn hạn chế nên chưa làm chuyển biến mạnh nhận thức người dân. Thiếu cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm. Tâm lý người dân còn e ngại vào tổ hợp tác, hợp tác xã do bình quân đất canh tác hộ dân ít.

Đại diện lãnh đạo 2 huyện kiến nghị tỉnh cần xem xét, triển khai đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông trong các xã thuộc vùng dự án tỉnh quản lý. Các cơ quan chuyên môn hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, các mô hình mới về công nghệ tự động trong sản xuất. Tăng nguồn vốn để hỗ trợ các mô hình trong thực hiện đề án. Tiếp tục hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho địa phương,...

Qua khảo sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang ghi nhận các ý kiến, đề xuất của địa phương, tỉnh sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh đạt hiệu quả./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết