Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Minh Quân với dự án khảo sát thành phần hóa học phân đoạn EA2 của cao ethyl acetate của cây ruột gà dạng húng
Để thỏa đam mê khám phá thế giới thực vật, từ lâu Ngân và Quân luôn ấp ủ ước mơ nghiên cứu sâu hơn về tính năng của các loại thực vật. Và khi chọn được cây ruột gà dạng húng là đối tượng chính để nghiên cứu, Ngân và Quân quyết tâm hiện thực hóa ước mơ của mình.
"Em biết đến cây ruột gà dạng húng qua sách, tài liệu, rồi lại thấy nó mọc ở ven đường khá nhiều. Qua tìm hiểu thì các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như dược tính của cây ruột gà dạng húng ở Việt Nam và thế giới còn khá ít. Trong khi đó, cây thuộc chi Spermacoce có công dụng trong y học như: Kháng khuẩn, chữa rối loạn tiêu hóa, chống oxi hóa, kháng ung thư,...Do đó, em muốn khảo sát thành phần hóa học để chứng minh giá trị của nó. Em cũng ấp ủ hy vọng, kết quả ấy sẽ có ích cho xã hội, đặc biệt là y học" - Ngân tâm sự.
Sau khi nghiên cứu về dược tính, thành phần hóa học của cây ruột gà dạng húng thông qua các tài liệu, Ngân và Quân đặt ra mục tiêu cô lập và xác định cấu trúc hợp chất có trong cây ruột gà dạng húng; thử hoạt tính sinh học của các loại cao trong cây và các hợp chất hữu cơ cô lập được. Bắt tay nghiên cứu, Ngân và Quân tiến hành thu thập cây ruột gà dạng húng, rồi phơi khô, xay nhuyễn thành bột, từ đó bắt đầu cô lập các hợp chất.
Theo đó, 2 em tiến hành khảo sát thành phần hóa học của cây bằng phương pháp sắc kí cột, sắc kí lớp mỏng; đồng thời, dùng phương pháp sắc kí để cô lập và tinh chế các hợp chất hữu cơ, bao gồm các kỹ thuật: Sắc kí cột silica gel pha thường kết hợp sắc kí lớp mỏng. Sau đó, hiện hình các chất bằng đèn tử ngoại ở 2 bước sóng 254 nm và 366 nm, dùng thuốc thử là dung dịch H2SO4 có nồng độ 20%. Tiếp đến, các em tiến hành xác định cấu trúc hóa học của các hợp chất.
Kết quả, qua quá trình sắc kí cột silica gel phân đoạn EA2.7 của cao ethyl acetate, Ngân và Quân thu được 2 hợp chất S3 và S5. Trong đó, hợp chất S5 (5 mg) cô lập được có đặc điểm gồm: Dạng bột màu trắng; tan tốt trong CHCl3:CH3OH (1:1); không hiện hình dưới đèn UV, hiện hình với axit H2SO4 20%, vết màu tím. Tuy nhiên, phổ của hợp chất S5 còn lẫn chất khác dẫn đến việc xác định cấu trúc khó khăn nên ngưng ở đó. Riêng hợp chất S3 (5 mg), cô lập được có đặc điểm như sau: Dạng bột màu trắng; tan tốt trong CH3OH; không hiện hình dưới đèn UV, hiện hình dưới axit H2SO4 20%, vết màu tím. Do đó, hợp chất S3 được xác định cấu trúc là protobassic acid. Đây là hợp chất lần đầu tiên cô lập được trong cây ruột gà dạng húng và cũng là lần đầu tiên tìm thấy trong chi Spermacoce. Ngoài ra, kết quả thử hoạt tính sinh học cho thấy hợp chất S3 thể hiện hoạt tính ức chế vi khuẩn Staphylococus aureus (IC50 128 µg/ml) và Lactobacillus fermentum (IC50 83.2 µg/ml), khả năng ức chế tế bào ung thư gan HepG2 với IC50 30.88 ±0.20 µg/ml).
Quân chia sẻ: "Để có được kết quả đó, chúng em trải qua không ít khó khăn. Không biết bao nhiêu lần nghiên cứu thất bại rồi bắt tay lại từ đầu hay chỉnh sửa, hoàn thiện việc nghiên cứu sao cho lần sau tốt hơn lần trước. Cũng có những lúc em và Ngân muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình, công sức đã bỏ ra và muốn khám phá, thử thách bản thân hơn nữa, chúng em lại có thêm động lực. Chúng em đọc rất nhiều tài liệu, hỏi ý kiến của thầy cô trong lĩnh vực này và tự mài mò, nỗ lực để có được kết quả nghiên cứu thành công như ngày hôm nay". Thành công ở phân đoạn này, Ngân và Quân dự định tiếp tục khảo sát trên các phân đoạn khác của cao ethyl acetate nhằm cô lập thêm những hợp chất mới trong cây ruột gà dạng húng.
Nhờ sự đam mê nghiên cứu, quyết tâm đi đến cùng, Dự án khảo sát thành phần hóa học phân đoạn EA2 của cao ethyl acetate của cây ruột gà dạng húng giúp Ngân và Quân xuất sắc đoạt giải nhì Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, năm học 2018-2019. Giải thưởng này còn giúp Ngân và Quân được tuyển thẳng vào đại học với các ngành có liên quan lĩnh vực nghiên cứu sau khi tốt nghiệp THPT./.
Ngọc Thạch