Tiếng Việt | English

06/02/2019 - 10:05

“Hai Lúa” bán đất nghiên cứu khoa học

Gần cả đời gắn bó bên đồng ruộng, vậy mà ông Nguyễn Văn Vĩnh, ngụ ấp 2, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, lại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học rất mãnh liệt. Để thực hiện ước mơ của mình, ông bán phần lớn diện tích đất trồng lúa của gia đình...

Bán đất để theo đuổi đam mê

Ông Vĩnh kể, cơ duyên đưa ông đến với nghiên cứu khoa học thật tình cờ. Trong một lần xem truyền hình, ông được biết khói thải từ động cơ xe gắn máy, ôtô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Qua quá trình tìm hiểu, ông phát hiện nguyên nhân xe thải ra khói nhiều là do xilanh của động cơ không đốt hết nhiên liệu. Từ đó, ông nảy sinh ý định tìm một thiết bị giúp xilanh đốt hết nhiên liệu bên trong để tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường.

Năm 2003, ông bắt tay vào nghiên cứu. Để ý tưởng trở thành hiện thực, ông vất vả ngược xuôi đi tìm vật liệu. Có được vật liệu, cả ngày lẫn đêm, ông hì hục bên những ốc, vít, máy móc,... Thậm chí, nửa đêm đang ngủ chợt có ý tưởng nào hay, ông vội cầm viết và tờ giấy để sẵn trên đầu giường ghi chép lại,... Vợ, con và nhiều người thấy ông làm thế lại lắc đầu ngao ngán. Bao nhiêu công sức, tiền bạc cũng “đội nón” ra đi.

Năm 2006, ông nghiên cứu thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ chạy bằng xăng và phải mất hàng trăm lần chỉnh sửa, thử nghiệm để cho ra sản phẩm phù hợp. Đến năm 2010, thiết bị của ông được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế.

Ông chia sẻ, làm được thiết bị này mất rất nhiều thời gian, công sức. 7 năm theo đuổi đam mê, ông thường xuyên gác lại chuyện đồng áng. Điều “đau đầu” nhất của ông là sự phản đối của vợ, con khi ông lần lượt bán từng thửa đất của gia đình để có tiền theo đuổi đam mê nghiên cứu. Tổng cộng, ông bán gần 6ha đất trồng lúa trên tổng diện tích 7ha. “Vợ cằn nhằn như cơm bữa nhưng quá yêu thích nên tôi cứ làm, riết rồi vợ cũng đành chịu” - ông nói. 

Sáng chế bảo vệ môi trường

Thiết bị này có tính ứng dụng cao trên tất cả động cơ đốt trong chạy bằng xăng, kể cả các dòng xe tay ga phun xăng điện tử Fi. Với bộ van kép lò xo và lá van một chiều, kích thước nhỏ hơn kích thước của khoang chứa khí nên không bị ăn mòn, bảo đảm độ bền, tuổi thọ của bộ van kép giúp khoang chứa khí luôn kín.

Thiết bị được ông gắn vào xe gắn máy

Sáng chế tiết kiệm nhiên liệu trên 20%; tăng công suất động cơ lên 14%, giảm được hơn 90% lượng khí thải ra môi trường; độ bền của sản phẩm cao, thời gian sử dụng sản phẩm lâu. Thiết bị còn giảm chất thải động cơ ra môi trường, bảo đảm sức khỏe con người. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được từng ca ngợi tinh thần tự học, tự nghiên cứu, sáng chế thành công thiết bị của ông Vĩnh. Dù xuất thân là một nông dân ở vùng sâu, không qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông có sáng chế bảo vệ môi trường hiệu quả, đáng được biểu dương. 

Hiểu được niềm đam mê của ông, vợ, con dần ủng hộ, trong đó, người con trai lớn nối nghiệp và cùng ông tiếp tục nghiên cứu thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ diesel để gắn trên động cơ xe tải, xe container, giúp giảm ô nhiễm môi trường. /.

Thiết bị khí phụ của ông đoạt các giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật của tỉnh; nhận bằng khen của các bộ, ngành Trung ương; sản phẩm thương hiệu chất lượng năm 2014; giải thưởng Nhân tài Đất Việt về khuyến học, khuyến tài;...

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh - Phạm Thanh Phong, giải thưởng “Nhân tài Đất Việt về khuyến học, khuyến tài” được phát động từ năm 2014. Đến nay, cả nước có 11 đề tài được công nhận, trong đó, tỉnh có 3 đề tài của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa, nông dân Đinh Văn Sơn và ông Nguyễn Văn Vĩnh.

Khánh Minh

Chia sẻ bài viết