Lo hàng gian, hàng giả
Qua khảo sát, thời điểm này cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ diễn ra sôi động. Đặc biệt, hàng hóa phục vụ tết tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phong phú về mẫu mã, chủng loại. Đại diện Công ty (Cty) TNHH San Hà cho biết, để phục vụ thị trường, Cty chuẩn bị nguồn hàng hóa tăng 20% so tết năm 2020, mở nhiều cửa hàng ở các huyện trên địa bàn tỉnh; tổng lượng hàng hóa lên đến hơn 20 tỉ đồng. Lượng hàng hóa dự trữ gồm: 72 tấn thịt heo, 150 tấn thịt gà các loại, 150.000 quả trứng các loại, 15 tấn thủy sản, 30 tấn gạo,... Thuận lợi lớn của Cty là nhà máy gần địa bàn các cửa hàng, có nhiều xe chuyên dụng chuyên chở hàng hóa, một số cửa hàng có diện tích lớn, có kho chứa,...
Hàng hóa đa dạng các mặt hàng được doanh nghiệp đưa về cung ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết
Năm nay, Co.opMart Tân An cung ứng hàng hóa tương đương so Tết Canh Tý 2020 với tổng giá trị các mặt hàng khoảng 15,5 tỉ đồng, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, dầu ăn, nước chấm, gia vị, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, các sản phẩm từ sữa,... Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, tổng giá trị các mặt hàng dự trữ khoảng 18 tỉ đồng, so với năm 2020, dự trữ hàng hóa giảm 10%. Một trong những nguyên nhân đưa ra là do dự báo ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người tiêu dùng có khả năng giảm mua hàng.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt đánh giá cao sự chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2021; đồng thời cũng mong muốn các doanh nghiệp xây dựng góc bán hàng, hỗ trợ tỉnh phân phối, quảng bá những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. “Ngoài việc chuẩn bị hàng hóa bán tại các điểm cố định, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tăng cường tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng sâu, vùng xa và nhu cầu mua sắm của công nhân” - ông Nguyễn Anh Việt gợi ý.
Do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thời điểm giáp Tết Nguyên đán lớn nên đây là thời điểm hoạt động gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về giá, đo lường, vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận về lĩnh vực thuế, hải quan,... có nguy cơ diễn ra phức tạp. Để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, lực lượng chức năng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch, giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo chuyên ngành, lĩnh vực quản lý.
“Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, đối tượng. Từ đó, nắm phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm để tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra điểm nóng, gây bức xúc” - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh - Phạm Đức Chinh nhấn mạnh.
Qua tìm hiểu, đối với những khu vực chợ có sức mua cao, siêu thị, điểm tập kết lên xuống hàng hóa; các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn là những địa bàn được lực lượng chức năng càng chú trọng kiểm tra. Tuy nhiên, đối với từng địa bàn, lực lượng chức năng cũng có những biện pháp kiểm tra hợp lý để bảo đảm tính hiệu quả.
Chẳng hạn, ở đô thị, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các kho của nhà phân phối, kiểm tra các xe hàng nhập về nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, tận gốc hàng hóa vi phạm. Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các lực lượng tập trung theo dõi, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng tiểu thương, người bán hàng lưu động đưa hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái về tiêu thụ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra về hoạt động mua, bán hàng hóa trên các website, mạng xã hội.
“Qua công tác kiểm tra nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để thiếu hàng, đẩy giá lên cao và bùng phát hàng gian, hàng giả gây bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, trong dịp tết càng chú trọng kiểm tra đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm, đường, sữa, bánh kẹo, xăng, dầu, thuốc chữa bệnh,...” - ông Phạm Đức Chinh nhấn mạnh.
Chưa phát hiện vi phạm nổi cộm
Từ đầu tháng 01/2021 đến nay là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý vi phạm về hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại,... Đơn cử như các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan Long An phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Các hành vi vi phạm chủ yếu là khai và nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan, vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm gia công dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, khai thiếu số tiền thuế phải nộp.
Quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm về giá; 1 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; 6 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Còn đối với thanh tra chuyên ngành, phát hiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản; 3 trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong tháng 01/2021, lực lượng chức năng phát hiện 1 vụ hàng kém chất lượng, 1 vụ hàng giả và 37 vụ gian lận thương mại nhưng chưa phát hiện các trường hợp vi phạm nổi cộm, gây bức xúc dư luận.
Khảo sát tại các chợ như Tân An, Bến Lức và nhiều chợ khác ở địa bàn các xã, thị trấn vào những ngày này, sức mua các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng cũng bắt đầu tăng cao. Tuy nhiên, thực tế, ở các chợ cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nỗi lo về số lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn. Ngoài công tác kiểm tra, các ngành chức năng phối hợp các ban quản lý chợ tích cực tuyên truyền pháp luật, vận động tiểu thương, hộ kinh doanh không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc cố tình đẩy giá lên cao để trục lợi.
Bà Lê Thị Hải - tiểu thương chợ Bến Lức, huyện Bến Lức, cho biết: “Qua tuyên truyền của ngành chức năng, tôi hiểu và nhận thức rõ hơn các quy định, hành vi vi phạm,... Vì vậy, tôi luôn chấp hành tốt nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Đó cũng là lương tâm và trách nhiệm của người kinh doanh chân chính”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hải - tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân An, qua việc thường xuyên kiểm tra và đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở của ngành chức năng, tiểu thương nâng cao ý thức, từ đó luôn tự răn bản thân chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thời điểm giáp Tết Nguyên đán lớn nên đây là thời điểm hoạt động gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về giá, đo lường, vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận về lĩnh vực thuế, hải quan,... có nguy cơ diễn ra phức tạp. Để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, lực lượng chức năng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch, giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo chuyên ngành, lĩnh vực quản lý”./. |
Lê Đức