Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Nuôi tôm nước lợ: Cần những giải pháp "gỡ khó"

Kỳ 3: Cần đầu tư điện sản xuất cho vùng nuôi tôm

Việc sử dụng điện trong sản xuất, nhất là trong nuôi trồng thủy sản sẽ giúp người nuôi tôm giảm bớt chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Qua đó, góp phần thúc đẩy mô hình nuôi tôm công nghiệp ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay đa số các hộ nuôi tôm đều phải đưa điện sinh hoạt vào sản xuất. Do đó, điện áp không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng cúp điện cục bộ, nhất là vào thời điểm vụ nuôi chính.

Có rất nhiều trạm hạ thế điện bị quá tải, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt ở nông thôn, mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng điện sinh hoạt phục vụ nuôi tôm. Những năm gần đây, người dân nuôi tôm đạt hiệu quả cao nên diện tích ngày càng mở rộng, tình trạng quá tải đối với lưới điện sinh hoạt ở các vùng nuôi tự phát của các huyện vùng hạ là rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Xích, ngụ ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết: “Gia đình tôi có 2ha đất nuôi tôm nay đã trên 10 năm nhưng chủ yếu sử dụng máy dầu để bơm nước và chạy quạt. Nếu như được sử dụng điện sản xuất để nuôi tôm thì chi phí rẻ hơn gấp 3 lần sử dụng máy dầu. Ở đây, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể hạ bình điện và sử dụng để sản xuất, còn với những gia đình khó khăn như chúng tôi thì đành chịu. Rất mong, thời gian tới được Nhà nước đầu tư để chúng tôi có điều kiện sử dụng điện trong sản xuất hiệu quả hơn”.

Người nuôi tôm rất cần điện trong sản xuất

Nhu cầu sử dụng điện sản xuất đối với vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là chính đáng. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều vùng nuôi bán thâm canh chưa có điện sản xuất. Đối với các vùng nuôi đã được quy hoạch thì ngành Điện cần đầu tư hạ thế lưới điện 3 pha để giúp người nuôi tôm thuận lợi hơn trong sản xuất. Bởi, có điện sản xuất sẽ giúp hộ nuôi tôm giảm khoảng 70% chi phí so với sử dụng máy dầu. Ông Dương Ngọc Hùng-Cán bộ Khuyến nông xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết: “Người dân nuôi tôm ở đây chủ yếu là chạy máy dầu, nếu được hỗ trợ về điện và giá điện thì giảm chi phí khoảng 70%. Nếu một đêm người dân dùng máy dầu tốn khoảng 100.000 đồng còn sử dụng điện thì chỉ mất 20.000 đồng. Còn nếu người dân muốn hạ bình thì tốn trên 100 triệu đồng, phục vụ được cho hơn 20ha. Tuy nhiên, người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên không có khả năng hạ bình điện. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành tỉnh cần đầu tư để phát triển vùng nuôi tôm nước lợ, trong đó có xem xét đầu tư hệ thống điện sản xuất để người dân nuôi tôm thuận lợi trong sản xuất”.

Hiện nay, tình hình nuôi tôm tự phát, tốc độ nuôi thâm canh, bán thâm canh tăng mạnh ngoài quy hoạch sẽ làm hệ thống lưới điện sinh hoạt bị quá tải. Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên tự phát nuôi tôm khi chưa đáp ứng được các yêu cầu về điện sản xuất và hệ thống thủy lợi. Theo ông Dương Ngọc Hùng, sử dụng điện trong nuôi tôm là quan trọng, nhất là tôm thẻ cần oxy rất lớn nên rất cần có điện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Bùi Văn Tấn cho rằng: Hiện nay, người dân sử dụng điện sản xuất phục vụ nuôi tôm đạt hiệu quả. Chi phí sử dụng điện rẻ hơn gấp 3 lần so với sử dụng máy dầu trong sản xuất. Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang triển khai dự án đầu tư trạm điện tại Châu Thành phục vụ nuôi tôm, trồng thanh long, sinh hoạt,... Vì nếu người dân sử dụng điện sinh hoạt trong nuôi tôm sẽ dẫn đến quá tải và bị ngắt điện thường xuyên.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Dương Văn Hoàng Hoanh cho biết: Để người dân sử dụng điện trong sản xuất đạt hiệu quả, sở đang quy hoạch điện giai đoạn 2015 - 2020 gắn với quy hoạch thủy sản do Bộ Công Thương chỉ đạo. Hiện nay, sở cũng đã chỉ đạo ngành Điện cần cân đối công suất, ưu tiên cung cấp điện cho người nuôi tôm nằm trong vùng quy hoạch. Nếu người nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch muốn sử dụng điện trong sản xuất thì phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương với điều kiện cân đối được chất lượng đường dây, nguồn tải điện. Khi quy hoạch xong từng vùng, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân biết để nuôi tôm trong vùng quy hoạch. Thời gian tới, sở thực hiện theo chủ chương của Chính phủ và UBND tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ đầu tư mạng lưới điện phục vụ cho sản xuất. Thực hiện yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc chuẩn bị danh mục dự án “Tín dụng ngành Điện lần 3 (PSL3)” vay vốn cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã đăng ký vốn để đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực nông thôn tại tỉnh Long An, từng bước đáp ứng yêu cầu của người dân sử dụng điện phục vụ trong sản xuất.

(còn tiếp)

Hải Phong

Chia sẻ bài viết