Việt Nam là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Con tôm đã mang lại 4,1 tỉ USD cho Việt Nam trong năm 2014 (chiếm gần 52% giá trị xuất khẩu thủy sản). Tuy nhiên, mỗi năm chúng ta mới sản xuất được 3.000 cặp tôm sú giống bố mẹ (đáp ứng 10% nhu cầu), còn tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu toàn bộ. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 248.000 con tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ. Từ nguồn tôm bố mẹ này, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống thương phẩm khoảng hơn 100 tỉ con giống mỗi năm để cung cấp cho người nuôi tôm. Vì chưa sản xuất được tôm giống bố mẹ, nên chúng ta chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Mỹ, Singapore, Thái Lan, Indonesia (trung bình mỗi con tôm giống bố mẹ từ 40-50 USD). Nhưng mỗi cặp tôm giống bố mẹ này chỉ sản xuất được trong vòng 3-4 tháng, sau đó phải thay mới, nên chúng ta luôn phải phụ thuộc vào nguồn tôm giống nhập khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở sản xuất tôm giống ở Cần Đước với công suất khoảng 1 tỉ con Post/năm và 47 cơ sở thuần dưỡng tôm giống đang hoạt động (Cần Đước: 23; Cần Giuộc: 19; Châu Thành: 4; Tân Trụ 1). Hiện người dân nuôi tôm bắt tôm giống chủ yếu của An Tài, CP, Việt Úc được phân phối ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc,... và các trại tôm giống ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ,...
Tôm chết do dịch bệnh, nông dân phải thu hoạch sớm
Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Mặc dù nuôi tôm có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa, nhưng người nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều đại lý phân phối tôm giống nhưng không có đăng ký với cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát. Phần lớn người dân thích mua con giống giá rẻ của các nhà cung cấp ngoài tỉnh mà không biết được chất lượng có bảo đảm hay không”. Theo ông Nguyễn Văn Ớ - Chủ cơ sở kinh doanh tôm giống Út Ớ (ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước): “Cơ sở của tôi chuyên cung cấp tôm giống của Cty Việt - Úc ở Bạc Liêu và Ninh Thuận. Sau khi lấy tôm giống ở công ty về, tôi thuần dưỡng lại cho phù hợp với độ mặn ở đây. Trước khi giao tôm giống cho người nuôi, Trạm Thú y huyện xuống kiểm tra và xác nhận chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân chọn mua tôm giống ở ngoài tỉnh không rõ nguồn gốc và thường hay thả con giống vào ban đêm nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh - Dương Văn Tiến cho biết: Hiện nay, người dân nuôi tôm gặp khó khăn về chất lượng tôm giống, toàn tỉnh chỉ có khoảng 20% tôm giống bố mẹ có chất lượng. Vì lợi nhuận, nhiều thương lái khi vận chuyển tôm giống cho người dân có khi trộn thêm tôm khác, rất khó kiểm soát nên gây ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Quá trình kiểm tra tôm giống cũng gặp khó khăn về thiết bị, kiểm dịch bằng kính hiển vi nên chỉ phát hiện một số bệnh chứ không đánh giá được hết chất lượng con giống.
Bên cạnh khó khăn về con giống, hiện nay người nuôi tôm cũng đang “khổ sở” vì dịch bệnh đốm trắng, gan tụy, đầu vàng,… trên tôm và thời gian gần đây xuất hiện thêm bệnh đốm đen. Tình hình dịch bệnh trên tôm tăng do những năm gần đây giá tôm nguyên liệu cao, một số người dân nôn nóng thả nuôi lại và khi tôm chết đã âm thầm xả bỏ, xử lý nhanh, tiếp tục thả nuôi, không khai báo chống dịch theo quy định nên công tác chống dịch không được triệt để. Một số ao đầm nuôi có bờ bao không bảo đảm chống thấm nên khi có bệnh rất dễ lây lan và khi xử lý hóa chất chống dịch bệnh, nước ao nuôi này rò rỉ làm chết tôm ở những ao lân cận, gây khó khăn cho công tác triển khai chống dịch. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ, độ mặn cao, nguồn nước cấp cạn kiệt) nên dịch bệnh trên tôm xuất hiện thường xuyên trong vùng nuôi. Tính trong năm 2014, trên địa bàn các huyện vùng hạ của tỉnh có đến 1.184,21ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Phạm Phú Hùng: Từ năm 1992-1993, mô hình nuôi thử nghiệm tôm sú trên chân ruộng ngập mặn, bước đầu có hiệu quả với lợi nhuận bình quân 70-100 triệu đồng/ha. Kết quả thử nghiệm ban đầu đã mang lại lợi nhuận rất cao so với mô hình trồng lúa 1 vụ trong vùng đất nhiễm phèn mặn. Từ đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang chuyên canh nuôi tôm sú và phong trào này phát triển mạnh nhất vào thời điểm năm 2005, với tổng diện tích khoảng 6.000ha. Định hướng nuôi tôm ban đầu của tỉnh là nuôi luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa. Thế nhưng, do lợi nhuận từ việc nuôi tôm rất cao (cao gấp 5 đến 20 lần so với trồng lúa) nên người dân từng bước chuyên canh và thâm canh hóa (2-3 vụ/năm). Tuy nhiên, vào thời điểm 2006-2008 đến nay, tình hình dịch bệnh và giá cả tôm không ổn định, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng rất nhanh trong khi chưa có vùng quy hoạch cụ thể, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng con giống cũng như giá con giống lên rất cao ở một số thời điểm, chất lượng khó kiểm soát.
(còn tiếp)
Hải phong