Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 295 hợp tác xã
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể tham gia là cần thiết. Qua đó, không ngừng nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của KTTT, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển KTTT, làm "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với thành phần KTTT. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước được UBND tỉnh giao, đầu mối quản lý, tổng hợp và theo dõi tình hình HTX; chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh hoạt động của các HTX theo quy định.
Từ đó, Liên minh HTX tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 và đóng góp tích cực vào sự chuyển biến của khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 295 HTX, trong đó, thành lập mới 20 HTX (đạt 100% kế hoạch năm 2022); có 5 liên hiệp HTX và 1.463 tổ hợp tác.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh khảo sát tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, khu vực KTTT từng bước vượt qua tình trạng yếu, kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phục hồi và phát triển ổn định. Các HTX ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, 100% HTX đã chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 đúng quy định. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho thành viên cũng như người lao động.
Thực tế cho thấy, để các HTX phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cần phải có những giải pháp thiết thực, phù hợp. Theo đó, HTX phải xem các thành viên là khách hàng chính và cung cấp những dịch vụ mang tính hỗ trợ cho họ. Đó là các dịch vụ mà những nông dân, hộ gia đình, trang trại không thể tự thực hiện hoặc thực hiện với chi phí cao nhưng hiệu quả thấp hơn so với sử dụng dịch vụ của HTX. Các dịch vụ của HTX đối với thành viên là hỗ trợ mang tính kinh tế, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp và lâu dài. Đây chính là lý do để HTX thành lập, duy trì và phát triển.
Do thành viên cũng chính là khách hàng quan trọng nhất của HTX nên bất cứ nhu cầu nào của thành viên được phát sinh thì HTX phải thiết kế sản phẩm để phục vụ. Chỉ cần một số lượng tương đối các nhu cầu dịch vụ này thì HTX có thể thực hiện với chi phí thấp hơn, hiệu quả hơn, có lợi kinh tế hơn cho thành viên. Từ những lợi ích thiết thực được hưởng trực tiếp và lâu dài thông qua các dịch vụ của HTX mà các thành viên sẽ tự nguyện tham gia, gắn bó và có trách nhiệm với HTX. Nguyên tắc kinh doanh, cung cấp dịch vụ của HTX là “lợi thế nhờ quy mô, mua bán sỉ tốt hơn mua bán lẻ”.
Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp tăng cường cung cấp các dịch vụ đầu vào hỗ trợ dịch vụ đầu ra cho các thành viên HTX như thủy nông, điện, cung cấp nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp (hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc,...) và các dịch vụ khác như làm đất, cung cấp máy nông nghiệp, dụng cụ lao động, vật tư chuồng trại, xăng, dầu,... Cùng với dịch vụ đầu vào mà các HTX nông nghiệp cung cấp cho thành viên là những dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới (cây, con giống mới, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại,...), dịch vụ nhà kho, dịch vụ bảo quản đông lạnh, dịch vụ tài chính (vốn vay, bảo hiểm,...).
Các hợp tác xã ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt, các sản phẩm nông nghiệp của nông dân rất cần đến các dịch vụ hỗ trợ đầu ra. Đó chính là khó khăn lớn nhất, thách thức lớn nhất của nông dân trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi HTX phải phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm. Một số dịch vụ đầu ra của HTX là hỗ trợ về gia công, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm với giá tốt nhất, có lợi nhất cho thành viên. Nếu HTX đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, nhà máy chế biến thành phẩm, các sản phẩm của nông dân sẽ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo xu thế chung của thị trường, các nông sản hữu cơ, sạch ngày càng được ưa chuộng và có giá trị thương mại cao. Chính vì thế, các HTX cần chú trọng phát triển các sản phẩm thành phẩm mới, theo dõi và cung cấp, tư vấn cho thành viên về các thông tin thị trường. Từ đó, giúp các sản phẩm của thành viên luôn được đổi mới, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vươn lên của cán bộ, đảng viên trong cơ quan Liên minh HTX tỉnh, tin tưởng rằng, khu vực KTTT của tỉnh sẽ phát triển hiệu quả đúng theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra./.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh - Trần Hoài Bảo