Tiếng Việt | English

05/04/2017 - 08:04

Làm sao bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng?

Thời gian gần đây, người chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh điêu đứng vì giá bán thấp, bị lỗ nặng, gặp khó khăn trong trả nợ vay cũng như tái đàn. Còn người tiêu dùng phải “bấm bụng” mua thịt ở các chợ, siêu thị với giá cao. Rõ ràng, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều thiệt thòi, khoản tiền lãi thì rơi vào khâu trung gian, tiểu thương.

Chăn nuôi vốn phụ thuộc vào thời tiết, vốn, con giống, kỹ thuật, thú y,... nhưng điều quan ngại nhất là đầu ra của sản phẩm. Người chăn nuôi bị lệ thuộc nặng vào giá cả do tư thương quyết định. Hiện nay, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh được quy hoạch với mạng lưới cơ sở thú y rộng khắp. Ngành chức năng tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật, cho vay vốn, xúc tiến thương mại, giúp nông dân phát triển chăn nuôi. Thế nhưng, nông dân vẫn loay hoay với bài toán: “Nuôi con gì, trồng cây gì”, lúc nào, bán ở đâu, giá cả ra sao? Vấn đề này thường xuyên được cử tri phản ánh nhưng chưa được giải quyết căn cơ.

Về phía người tiêu dùng phải mua thịt với giá cao trong lúc nông dân lao đao vì rớt giá. Giá cả của thịt gia súc, gia cầm không phụ thuộc vào giá “đầu ra” của người nuôi mà phụ thuộc vào từng phiên chợ, số lượng mua,... Biết giá cả chênh lệch lớn giữa đầu vào, đầu ra nhưng người tiêu dùng biết kêu ai?

Tỉnh ta đang thực hiện chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là tín hiệu vui với nông dân khi Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết bài toán về quy hoạch, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Những yếu tố đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng, năng suất, giảm giá thành sản phẩm; tác động từ khâu mùa vụ, con giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển, cung ứng thị trường đến khâu xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm,... Từ đó, với sự liên kết 4 nhà, nông dân có thể liên kết trong sản xuất, chăm sóc, giới thiệu sản phẩm và tạo thương hiệu, tiêu thụ với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, chương trình này mới triển khai xây dựng nền tảng. Trước mắt, ngành chức năng cần nghiên cứu giúp nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ở các chợ công nhân, bếp ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện. Bởi nơi đó, người tiêu dùng đang mua thịt gia súc, gia cầm với giá cao.

Chỉ khi liên kết sản xuất, tiêu thụ thì quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng mới bảo đảm hợp lý.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết