Tiếng Việt | English

16/03/2016 - 08:22

Để người tiêu dùng thực sự là thượng đế

Mua sắm, tiêu dùng là nhu cầu tất yếu trong xã hội. Xã hội càng văn minh, phát triển thì người tiêu dùng- khách hàng càng được quan tâm, đề cao, được đưa lên vị trí “thượng đế”. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, các vụ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả số lượng và mức độ.

Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu cơ quan dân cử, cử tri thường phàn nàn, bức xúc về hàng lậu, hàng nhái, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm,...

Quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm mọi lúc, mọi nơi. Nổi bật là trên lĩnh vực nông nghiệp: Phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng và giả gây mùa màng thất bát, nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Xăng thì gắn chíp điều khiển để đong thiếu, pha aceton; vật liệu xây dựng thì bán không đúng mẫu trưng bày; ăn gian cước taxi; nón bảo hiểm không bảo đảm chất lượng bày bán tràn lan;... Đi chợ thì sợ nạn gian lận cân đo; bán không đúng giá, không niêm yết giá; bán hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc;... Những vi phạm này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.

Ngoài ra, vì quyền lợi trước mắt, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh không thông tin hoặc thông tin không đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ gây bất lợi cho người tiêu dùng. Khi hàng hóa kém chất lượng, có khuyết tật thì đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm... Những kiểu “làm ăn chụp giật, ăn xổi ở thì” gây suy yếu nền kinh tế, cần xử lý nghiêm.

Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, vì ai cũng là người tiêu dùng. Bảo vệ người tiêu dùng còn là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội.

Ở nước ta, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tương đối hoàn chỉnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ 1-7-2011. Tuy nhiên, luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống do công tác tuyên truyền còn hạn chế, vận dụng chế tài chưa đủ mạnh nên tình trạng vi phạm còn nhiều. Nhiều người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết về quyền lợi của mình. Mặt khác, hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thường xuyên, rộng khắp; khi có việc cần đến thì người dân chưa biết nơi cần tìm.

Để người tiêu dùng - khách hàng thực sự là “thượng đế”, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng cho công dân; người tiêu dùng cần thay đổi thói quen mua sắm, mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm...

Người tiêu dùng rất cần các cơ quan Nhà nước, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quan tâm bảo vệ với thủ tục đơn giản. Đừng để họ tự bơi một mình trước nhiều cạm bẫy của hàng gian, hàng giả, hàng không an toàn,... Quyền được an toàn của người tiêu dùng cần luôn được quan tâm./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết