Tiếng Việt | English

24/04/2016 - 15:22

Làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em phạm tội?

Gần đây, nhiều vụ án mạng liên quan đến trẻ em, trong đó có những vụ án hết sức đau lòng như con (vị thành niên) giết cha mẹ, cháu giết ông bà chỉ vì lý do hết sức đơn giản: Cần tiền chơi game! Tình trạng con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ có chiều hướng gia tăng.

Tại các trường học, tình trạng học sinh đánh nhau, thậm chí học sinh nữ đánh bạn rồi quay video clip phát tán trên mạng xã hội trở nên phổ biến. Bài toán đặt ra không chỉ cho cơ quan bảo vệ pháp luật mà là của toàn xã hội: Làm thế nào để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới xã hội văn minh không để xảy ra tình trạng trẻ em phạm tội?


Việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh là hết sức quan trọng. (Trong ảnh: Bà Huỳnh Thị Huệ - Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho học sinh tiểu học tham gia thi tìm hiểu an toàn giao thông)

Báo động trẻ em vi phạm pháp luật

Khi vào Google, chỉ cần gõ chữ "học sinh đánh nhau", chúng ta sẽ thấy hiện lên rất nhiều video clip quay cảnh nhiều em học sinh đấm đá, thậm chí dùng vật cứng đánh bạn mình không thương tiếc. Lý do có khi hết sức đơn giản chỉ vì bạn dám khen người yêu của mình hoặc thấy bạn “kênh kênh” đáng ghét.

Tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh, phóng viên trực tiếp nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 6 nói rằng, có học sinh vào trường tự xưng mình là hotgril, thế là các em nữ lớp lớn hơn “dạy cho em này một bài học”! Tại tỉnh Tiền Giang, gần đây xảy ra vụ án hết sức đau lòng: Một học sinh THCS mâu thuẫn với bạn cùng lớp và thuê người đâm chết bạn. Một nữ học sinh THPT TP.Huế bị nhóm bạn hành hung ngay tại cổng trường dẫn đến ngất xỉu chỉ vì lời bình trên facebook.

Ngày 25-2-2016, học sinh Nguyễn Phi Hùng - lớp 9/1, Trường Phan Bội Châu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam bị 4 bạn học chung: Đức, Hiệp, Lực và Thắng đánh chấn thương sọ não, nguyên nhân chỉ vì Hùng yêu một bạn gái mà trong nhóm trên cũng có bạn cùng yêu cô gái ấy,... Và gần đây nhất, ngày 11-4-2016, Đinh Phú Quang - học sinh THCS huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đâm trọng thương Đinh Mạnh Cường 20 tuổi (người cùng xã) vì bị Cường bắt nạt.

Bạo lực học đường giờ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều em học sinh và gia đình các em, cho thấy, đạo đức trong một bộ phận học sinh đang ngày càng xuống cấp. Theo quy định của pháp luật, trẻ em là những người có độ tuổi dưới 16 tuổi, đây là đối tượng được gia đình, xã hội và pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, đối với những hành vi do trẻ em phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì đối tượng (từ 14 đến dưới 16 tuổi) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.


Học sinh đánh nhau. Ảnh minh họa (Internet)

Các giải pháp ngăn ngừa

Tại Long An, theo thống kê: Năm 2011, có 347 trẻ em vi phạm pháp luật (VPLP), năm 2012, có 237 em VPPL. Năm 2013 là 189 em, năm 2014 là 93 em và năm 2015 là 71 trẻ em VPPL (số liệu Sở Lao động Thương binh và Xã Hội). Qua số liệu trên cho thấy, số trẻ em VPPL ngày càng giảm, chứng tỏ sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ngành chức năng và của toàn xã hội đã và đang phát huy hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 192/192 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp trẻ em. Trong đó, có 1.985 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Hằng năm, có trên 6.000 trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em được tổ chức tại các huyện, xã, trường học, qua đó, góp phần giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho các em.

Ngoài ra, trong các tháng hành động vì trẻ em thì số lượng trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng tăng; năm 2015, có trên 57.000 trẻ em tham gia các hoạt động, trên 650.000 lượt trẻ em tham gia Tết Trung thu, trong số đó có gần 400.000 lượt trẻ em được tặng quà. Quỹ Bảo trợ trẻ em cũng tăng đều qua từng năm, năm 2015 nguồn quỹ là hơn 7 tỉ đồng.

Tăng số lượng và nâng cao năng lực cán bộ: Số cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) tăng và thường xuyên được học tập nâng cao năng lực. Hiện nay, số cán bộ chuyên trách làm công tác BVCSTE là 19 người (cấp tỉnh và cấp huyện) số cán bộ bán chuyên trách cấp xã 192 người, 3.500 cộng tác viên ở các ấp, khu phố.

Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL): Công tác TTPBGDPL cho trẻ em vị thành niên cũng được Hội đồng TTPBGDPL của tỉnh quan tâm. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An - Nguyễn Thanh Tiệp, việc TTPBGDPL trong nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thực hiện quyền được thông tin, nắm bắt thông tin của học sinh, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các em. Các mô hình hay như: "Tiết pháp luật", "Sinh hoạt pháp luật dưới cờ",... cần được phát huy và nhân rộng.

Phối hợp lực lượng, tăng sức mạnh giáo dục trẻ em: Công an các địa phương và cơ sở tăng cường phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học đẩy mạnh công tác TTPBGDPL cho thanh thiếu niên; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình trong quản lý con em gia đình không phạm tội và dính vào tệ nạn xã hội. Công an phối hợp nhà trường tổ chức nhiều buổi giao lưu, tuyên truyền nhất là Luật Giao thông đường bộ và các luật liên quan trực tiếp đến trẻ em, qua đó giúp các em ý thức việc chấp hành pháp luật, không VPPL và tự bảo vệ bản thân. Ngoài ra, Công an khu vực còn phối hợp ban, ngành, đoàn thể mời những đối tượng có nguy cơ cao đến làm việc, thuyết phục, động viên và răn đe ngăn ngừa các em có hành vi VPPL.

Phát huy hiệu quả các dự án và dịch vụ BVCSTE: Việc đẩy mạnh các dự án và huy động xã hội hóa dịch vụ BVCSTE, kịp thời can thiệp và trợ giúp trẻ em cũng là hướng đi đúng trong việc ngăn ngừa trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dễ rơi vào vòng xoáy của VPPL và phạm tội. Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật. Mô hình phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên VPPL dựa vào cộng đồng cần tiếp tục nhân rộng. Trong đó, chú trọng việc giúp đỡ các em vị thành niên tái hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa các em tái phạm và rủ rê các em cùng hoàn cảnh tiếp tục VPPL.

Gia đình phải là "tế bào khỏe mạnh": Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất vẫn chính là từ gia đình, các bậc cha mẹ, người giám hộ, người thân của các em phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cháu, là tấm gương sáng để các em noi theo. Thường xuyên nhắc nhở, dạy dỗ và giáo dục cho các em ý thức tuân thủ pháp luật, hướng thiện và không làm điều xấu, VPPL.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 14-12-2015, toàn tỉnh có 367.427 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25% dân số toàn tỉnh). Số trẻ em dưới 6 tuổi 142.014 em (chiếm 9,6% dân số). Số người chưa thành niên (từ 16 đến 18 tuổi) là 89.385, chiếm 6% dân số. Có 750.686 người được tuyên truyền trực tiếp về BVCSTE dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hải Đăng

 

Chia sẻ bài viết