Từ lâu, lễ hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, thường là sau Tết Nguyên đán. Tham dự lễ hội đầu năm vừa là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhờ nguồn”, vừa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc… Ý nghĩa truyền thống của các lễ hội được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp từ đời này sang đời khác.
Với ý nghĩa đó nên dù bận công việc, học tập,… nhưng đến mùa lễ hội, những người con của quê hương lại tranh thủ quay về dự lễ như một cách bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các bậc tiền nhân. Nét đặc sắc ở mỗi lễ hội đó là mọi người cùng chung tay, góp sức làm nên những vật phẩm dâng cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Không ai bảo ai, người góp công sức, người góp tiền,… làm nên lễ hội đặc sắc mang tính cộng đồng. Lễ hội thường có 2 phần: Phần lễ và phần hội với những hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao phong phú thể hiện nét đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Long An được biết đến với các lễ hội: Làm Chay, Vía bà Ngũ hành Long Thượng, Lễ Kỳ Yên…, trong đó Lễ hội Làm Chay hàng năm thu hút nhiều du khách tham dự.
Năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra nên các địa phương tạm dừng tổ chức lễ hội, tránh tập trung đông người gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, chỉ tổ chức phần lễ thắp hương tưởng niệm, không tổ chức ăn uống, vui chơi như mọi năm.
Ai cũng tán thành việc dừng tổ chức các lễ hội giữa tình hình dịch bệnh. Dù không được tổ chức nhưng tâm thức những người con quê hương vẫn luôn hướng về nguồn cội và không quên cầu mong mọi điều thuận lợi sẽ đến trong năm mới./.
Thương Thương