Tiếng Việt | English

27/08/2018 - 13:52

Liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho nông sản

Việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giúp nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) xây dựng thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm, đầu ra ổn định, giá trị nông sản được nâng cao. Do đó, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh từng bước hỗ trợ nông dân liên kết với DN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thông qua hợp tác xã, xã viên được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Huỳnh Phong

Thông qua hợp tác xã, xã viên được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước

Liên kết sản xuất

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, sở ban hành nhiều kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Long An đặt ra mục tiêu xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nhằm tổ chức lại sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, liên kết giữa DN và nông dân để thực hiện liên kết sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị nông sản; hình thành cơ chế liên kết giữa các chủ thể tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Tìm hiểu việc thực hiện liên kết sản xuất ở các địa phương, chúng tôi thấy có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chăn nuôi Tân Mỹ (huyện Cần Đước) - Võ Đông Triều cho biết: “HTX được thành lập năm 2016, với 30 thành viên, chủ yếu chăn nuôi gà đẻ. Thông qua HTX, xã viên được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, thuận lợi khi đàm phán hợp đồng với DN trong liên kết bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX định hướng cho xã viên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, xã viên an tâm sản xuất, có lãi cao, vươn lên thành hộ khá, giàu ở địa phương”.

Hợp tác xã giúp người chăn nuôi tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật

Hợp tác xã giúp người chăn nuôi tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật

Anh Nguyễn Văn Nhanh - xã viên HTX Chăn nuôi Tân Mỹ, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà khoảng 10 năm nay. Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi luôn lo lắng về đầu ra bởi chăn nuôi riêng lẻ nên còn nhiều hạn chế. HTX ra đời như “luồng gió mới”, giúp người chăn nuôi tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Dù thời gian gần đây, giá gà thấp nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng và tiếp tục chăn nuôi theo định hướng của HTX, nhờ vậy, đợt xuất chuồng vừa rồi, lợi nhuận cao hơn. Gia đình tôi nuôi khoảng 20.000 con gà, mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 16.000-18.000 trứng gà, sau khi trừ chi phí, lãi 2-3 triệu đồng/ngày”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp, rau, củ, quả Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) - Trần Văn Minh thông tin: “HTX được thành lập trên nền tảng Tổ hợp tác Rau an toàn phường Khánh Hậu, có 21 thành viên trồng 11ha: Dưa leo, cà chua, đậu bắp, khổ qua, bầu, bí, mướp,... Nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, hiện toàn bộ diện tích rau của HTX được sản xuất theo hướng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả. Tổng thu nhập của các thành viên HTX là 3,7 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 170-180 triệu đồng/ha/năm”.

Rau sản xuất theo hướng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả

Chính sách hỗ trợ

Theo Giám đốc HTX Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) - Phan Văn Thủ, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, HTX, DN gặp rất nhiều khó khăn. Hiện HTX gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đầu ra của sản phẩm nên nhiều hộ dân không mặn mà tham gia. Vì vậy, chúng tôi mong các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ, tìm đầu ra để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Có như vậy, việc liên kết sản xuất mới đạt hiệu quả. Hiện HTX có 28 thành viên, chuyên sản xuất lúa với tổng diện tích 420ha”.

Để hỗ trợ sản xuất liên kết hiệu quả, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: Theo Nghị định 98, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân, cá nhân, HTX, DN để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nghị định nêu rõ, chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường.

Tham gia liên kết, nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, đầu ra cho nông sản được bảo đảm

Tham gia liên kết, nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, đầu ra cho nông sản được bảo đảm

Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỉ đồng. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ trên được thực hiện theo các kế hoạch, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.

Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, các bên tham gia liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ để xây dựng mô hình khuyến nông; đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX; ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích