Tiếng Việt | English

16/11/2020 - 08:36

Liên kết sản xuất góp phần nâng cao giá trị và tạo đầu ra cho nông sản

Hiện nay, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp góp phần giúp người dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Thời gian qua, tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã (HTX), xây dựng cánh đồng lớn,... đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó, cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp; từ đó tăng năng suất và chất lượng nông sản, đời sống của nông dân được nâng lên.

Nông dân và các hợp tác xã cần tăng cường liên kết trong sản xuất để nâng cao giá trị và tạo đầu ra ổn định cho nông sản

HTX Nông nghiệp An Long (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) chủ động liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp đầu tư mua sắm trang thiết bị, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên lên cao gấp 2-3 lần so với sản xuất riêng lẻ trước đây. Chị Nguyễn Thị Dư - thành viên HTX Nông nghiệp An Long, chia sẻ: "Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho thành viên và một số nông dân các xã lân cận".

Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, là một trong các hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với HTX Dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu. Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, anh được cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật,... và bao tiêu sản phẩm nên an tâm sản xuất.

Giám đốc HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) - Nguyễn Việt Thịnh cho biết: "Khi tham gia vào chuỗi liên kết, các thành viên HTX và nông dân được tiêu thụ nông sản với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Ngoài ra, họ còn được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để an tâm sản xuất, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường".

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp phần nhiều còn mang tính nhỏ, lẻ, ít có sự tham gia của nhiều hộ nông dân. Việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao,...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Để các mô hình sản xuất nông nghiệp, các chuỗi liên kết không bị manh mún, riêng lẻ, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối tiêu thụ đều phải được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới bảo đảm tính bền vững trong liên kết.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích